Sử thi Mahabharata: Arjuna

Sau bài về Karna, cảm thấy Arjuna bị anti oan uổng quá nên phải biên ngay bài thanh minh cho chàng.

Sự ra đời của Arjuna

Arjuna là hoàng tử thứ ba của nhà Pandava. Dù trên danh nghĩa chàng là con của vua Pandu, nhưng kỳ thực cha ruột của chàng lại là thần Indra. Arjuna ra đời 7 tháng sau khi Krishna giáng sinh.

Thời niên thiếu, chàng sống cùng các anh em và mẹ mình – tức thái hậu Kunti ở Hastinapura. Khi đó, 5 hoàng tử Pandava được ông bác Bhishma nuôi lớn, dạy dỗ cẩn thận bên cạnh các hoàng tử Kaurava. Sau này, Bhishma cũng là người đã yêu cầu hiền triết Drona dạy dỗ Arjuna cùng những hoàng tử khác của cả hai gia tộc Pandava và Kaurava.

Với lòng dũng cảm và tài năng trong các môn học sử dụng vũ khí, Arjuna nhanh chóng trở thành học trò cưng của Drona cũng như trở thành một xạ thủ cự phách. Sự thân thiết giữa hai thầy trò khiến cho nhiều vương tử khác, và thậm chí là cả Ashwatthama – con trai Drona – cảm thấy ghen tị. Tuy nhiên, sau thử thách tay không chiến đấu với cá sấu để cứu thầy, không ai còn có thể phàn nàn về ưu ái mà Drona dành cho cậu học trò Arjuna nữa.

Tình bạn thân thiết với Krishna

Theo nhiều truyền thuyết, Arjuna là hóa thân của Nara – người bạn thân thiết của Vishnu. Do đó mà mối liên kết giữa họ chặt chẽ như Rama và Hanuman vậy.

Krishna và Arjuna gặp nhau lần đầu trong khu rừng Khandavaprastha. Một ngày nọ, khi đang đi dạo trong rừng thì cả hai đều gặp thần lửa Agni. Vị thần này đang trong cơn đói cồn cào, muốn thiêu cháy cả khu rừng. Tuy nhiên, xà vương Takshaka (1) sống trong khu rừng này lại là bạn của thần Indra. Vì vậy, cứ hễ Agni muốn đốt rừng thì trời lại đổ mưa ào ạt. Cực chẳng đã, vị thần đành nhờ Krishna và Arjuna giúp mình đốt cháy khu rừng.

Đổi lại, Arjuna xin thần Agni ban cho chàng thần cung Gandiva, vì không có cây cung thường nào chịu được sức mạnh từ cánh tay chàng. Sau đó, cả ba người đã cầu khấn thần biển Varuan – vị thần đã ban phước cho Arjuna bằng thần cung Gandiva – cũng là cây thần cung do thần Brahma tạo ra. Chưa dừng lại ở đó, thần lửa Agni còn ban tặng thêm cho chàng một cỗ xe tứ mã cùng một lá cờ có hình khỉ. Arjuna cũng có thêm chiếc tù và xà cừ nổi tiếng sau này.

Sau khi Arjuna được ban tặng các bảo vật. Nhờ vào Chakra Sudarshana của thần Krishna mà cả hai đánh bại được thần Indra, giúp thần Agni thiêu rụi khu rừng Khandava Vana. Dù rất tức giận, song thần Indra cũng thấy hãnh diện với cậu con quý tử, vậy là thần không những không trừng phạt mà còn ban tặng thêm cho Arjuna sức mạnh.

Cuộc đọ sức trong khu rừng Khandava đã khiến cho quỷ thần lẫn rắn rết ngụ ở đó đều bị Arjuna đánh bại. Tuy nhiên, Krishna và Arjuna cũng đã kịp cứu được một asura tên là Mayasura. Asura tài hoa này sau đó đã đảm nhận trọng trách xây dựng lên một cung điện tráng lệ được gọi là Sảnh đường Maya cho hoàng tử Yudhishtra – anh cả nhà Pandavas. Cũng vì vậy mà khu rừng Khandavaprastha được đổi tên thành Indraprastha (Lãnh địa của Indra) và Krishna trở thành người bạn thân thiết của Arjuna.

Tình bạn giữa Krishna và Arjuna được chính thần Krishna miêu tả như sau, nếu ai ghét Arjuna thì cũng sẽ ghét Krishna và ai tin theo Arjuna cũng sẽ là tin theo Krishna. Hơn thế nữa, thần Krishna còn thể hiện rõ rằng mình sẵn sàng hi sinh bất kỳ điều gì, từ vợ con đến dân chúng vì Arjuna. Và trong cuộc nói chuyện với cha mình, vua Vasudeva, thần Krishna đã bộc bạch rằng mình là Arjuna cũng như Arjuna chính là mình.

Cuộc chiến giữa Krishna và Arjuna

Mặc dù Krishna và Arjuna là bạn bè cực kỳ thân thiết, song họ vẫn có ít nhất một lần phải đối đầu với nhau. Nguồn cơn cuộc chiến kinh thiên động địa này bắt nguồn từ vị vua Gandharva (Càn-thát-bà) tên là Gaya, trong một lần bay trên trời thì sơ ý nhổ bã trầu vào lòng bàn tay đang ngửa lên cầu nguyện thần mặt trời Surya của Krishna. Vị thần đã rất giận dữ và buông lời thề lấy mạng Gaya. Tuy nhiên, oái oăm thay Gaya lại là một tín đồ rất nhiệt thành của Krishna (2) trong khi thần thì không thể rút lại lời thề đã phát ra. Hiền nhân Narada (3) bèn khuyên Gaya lân la làm quen với Arjuna và xin sự bảo hộ từ vị hoàng tử trước khi tiết lộ cho chàng hay về tên tuổi người muốn giết mình. Tất nhiên, hoàng tử Arjuna sau đó, cũng giống như Krishna bị đặt vào sự đã rồi, buộc phải chiến đấu với nhau dù cả hai đều buồn bã vô cùng.

Trong trận chiến này, cả hai bất phân thắng bại và buộc phải sử dụng những vũ khí hủy diệt của mình. Krishna có Kodanda còn Arjuna có Gandiva, do đó đều bị thương. Cuối cùng, khi Krishna dùng Chakra Sudarshana thì Arjuna cũng sử dụng Vaishnavastra. Trước tình thế căng thẳng này, thần Shiva đã phải xuất hiện để khuyên giải cả hai dừng lại trước khi hủy diệt cả thế gian.

Lúc này Krishna liền giải thích cho Brahma cùng các vị thần biết lý do khiến mình phải chiến đấu với Arjuna. Và nhờ vậy, Krishna đã chứng minh được rằng thần không thiên vị cho bất cứ ai mà luôn đứng về phía công lý. Ngoài ra, cuộc chiến này cũng gián tiếp khẳng định rằng Krishna và Arjuna bình đẳng với nhau, giống như nhau và đó là lý do vì sao Krishna yêu quý Arjuna cùng các hoàng tử Pandava nhiều như vậy.

Chú giải:

(1) Takshaka là vua của Naga. Trong thần thoại Trung Hoa và Nhật Bản, Takshaka là một trong bát đại long vương, dù mang thân rắn như vẫn có thể bay được bao gồm Nanda (Nagaraja), Upananda, Sagara (Shakara), Vasuki, Balavan, Anavatapta và Utpala.

(2) Các thần không giết tín đồ của mình

(3) Ông này là người lãnh nhiệm vụ kể chuyện về Shiva cho Shakti nghe đây. Lần này là một trong số những lần khẩu nghiệp của ổng.

Trang: 1 2 3 4

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia