Sử thi Mahabharata: Arjuna

Cuộc hành hương của Arjuna

Vì lỡ xen ngang vào khoảnh khắc riêng tư của Yadhishthira và Draupadi khi hai người đang chơi đổ xúc xắc nên Arjuna chấp nhận hình phạt mà hiền nhân Narada đưa ra. Chàng thực hiện một cuộc hành hương trong 12 năm. Theo hiền nhân Narada, Arjuna phải lui vào rừng sâu ở ẩn như một Brahmacharin (4).

Tuy nhiên, không biết có phải hiền nhân Narada diễn đạt không rõ hay Arjuna hiểu nhầm ý của hiền nhân mà trong thời gian 12 năm ở ẩn, Arjuna lại có thêm vài cuộc tình duyên và cưới về mấy bà vợ nữa.

– Nàng Ulupi xứ Nagaloka

Một ngày nọ, Arjuna ra gần sông Ganga (sông Hằng) để tắm. Đột nhiên chàng bị dòng nước nhấn chìm xuống. Chật vật một hồi, Arjuna nhận ra mình đã lạc đến lãnh địa xa lạ nào đó. Trước mắt chàng là một người phụ nữ xinh đẹp đang đứng đợi sẵn. Nàng tự giới thiệu mình là Ulupi – công chúa xứ Nagaloka. Dù cả hai chưa gặp nhau lần nào, song công chúa ngưỡng mộ tài bắn cung cũng như mê mệt vẻ điển trai của chàng. Vì thế, nàng thú nhận rằng mình đã đưa chàng đến nơi này. Arjuna giải thích hoàn cảnh của mình với Ulupi, nhưng nàng công chúa đáp lại rằng nàng đã biết mọi chuyện. Vậy là cả hai kết hôn, sau đó Arjuna lên đường thực hiện cuộc hành hương của chàng. Arjuna có với Ulupi một đứa con trai, tên là Iravan (5).

– Nàng Chitrāngadā xứ Manipura

Arjuna lần lượt đến thăm các thánh địa, và khi dừng chân ở cung điện Manipur của vua Chitravahana, chàng gặp được công chúa Chitrāngadā. Trước vẻ đẹp kiều diễm của công chúa, Arjuna đã phải lòng nàng. Vì thế, chàng lập tức ngỏ lời cầu hôn với vua Chitravahana. Nhà vua cũng chấp nhận gả công chúa, bởi ông có thiện cảm với Arjuna – một hoàng tử đẹp trai, thông minh. Theo phong tục của Manipura, con trai của công chúa sẽ trở thành vua kế vị. Thế nên, dù cưới thêm công chúa Chitrāngadā nhưng Arjuna vẫn không vi phạm vào lời hứa với người vợ đầu tiên, nàng Draupadi (6). Arjuna có với công chúa Chitrāngadā một đứa con trai tên là Babruvahana (7).

– Nàng Subhadra xứ Dwarka

Arjuna tiếp tục cuộc hành hương của mình. Từ thuở bé, Arjuna đã được nghe kể về những người anh em họ ngoại của mình nên rất háo hức đến thăm họ ở Dwarka. Còn Krishna – người anh họ kiêm bạn thân chí cốt của chàng thì rất mong muốn duy trì sự gắn kết gia đình giữa hai bên nên nhân cơ hội này mà sắp xếp cho chàng gặp gỡ với cô em gái Subhadra của mình. Đúng như dự tính của Krishna, Arjuna đã bị Subhadra chinh phục, chàng ngỏ ý muốn cưới nàng. Để giúp bạn, Krishna đã khuyên chàng bắt cóc Subhadra rồi kết hôn với nàng (8). Việc làm này khiến anh trai của Krishna là Balarama tức giận, song vua Vasudeva, cha của cả hai người lại tỏ ra khá bình tĩnh. Ông biết các chiến binh của Dwarka không thể hạ gục được Arjuna. Cặp đôi sau đó ở lần lượt lưu lại ở Dwarka và Pushkar trong hai năm. Trước lúc đưa Subhadra về kinh đô Indraprastha, Krishna và Arjuna đã phải nghĩ cách đối phó với cơn ghen của Draupadi. Họ để hoàng hậu Pandava gặp Subhadra dưới lốt một người vắt sữa bò. Mưu kế này thành công mỹ mãn khi Draupadi chịu tha thứ và cho phép Subhadra ở lại kinh đô. Subhadra sinh hạ cho Arjuna một cậu con trai, đặt tên là Abhimanyu (9).

Dù Arjuna khá đa tình, nhưng mỉa mai là hầu hết con cái mà chàng có với những người vợ lẽ đều chết trong Kurukshetra – cuộc chiến nhằm đòi lại danh dự cho Draupadi.

Cũng trong thời gian hành hương này, Arjuna đã có cơ hội gặp gỡ Hanuman. Bài chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa những anh hùng của hai bộ sử thi đồ sộ sẽ được cập nhật sau :>

Chú giải:

(4) Brahmacharin: Cái khái niệm này hơi rắc rối, nhưng mọi người có thể hiểu là “tu tập theo đường lối của Brahma”, đồng thời nó cũng chỉ những người sống thanh tịnh, từ bỏ ham muốn tình dục.

(5) Iravan: Dù được Ulupi thương yêu, nhưng chú của Iravan thì ghét bỏ cậu bé vô cùng, chính vì vậy mà thuở thơ ấu của Iravan không được hạnh phúc cho lắm. Sau này khi trưởng thành, Iravan đã lên đường đến Indraloka – lãnh địa của thần Indra – để tìm cha mình. Cũng tại đây, chàng được cha đề nghị tham gia Kuruksetra để trợ giúp cho nhà Pandava. Iravan chết vào ngày thứ tám của cuộc chiến.

(6) Draupadi yêu Arjuna nhất trong số 5 người chồng của mình, nhưng nàng cũng là người hay ghen tuông. Vì thế, nàng không muốn bất kỳ thê thiếp nào của chồng hiện diện ở kinh đô Indraprastha – nơi nàng làm hoàng hậu.

(7) Babruvahana sau này đụng độ với chính cha của mình. Khi Kurukshetra kết thúc, để mở rộng lãnh thổ của mình, 5 anh em Pandava đã thực hiện lễ tế ngựa Aswamedha. Nghi lễ này thường do các nước lớn thực hiện. Nhà vua sẽ thả một con chiến mã, khi chiến mã chạy đến đâu thì vua cai trị vùng đất đó được lựa chọn giữa thuần phục (để con chiến mã chạy tiếp) hoặc chiến đấu (bắt con chiến mã lại). Babruvahana đã bắt con chiến mã, do đó mà chàng phải đối đầu với Arjuna. Tuy nhiên, Arjuna đã thuyết phục vị vua trẻ tuổi trao trả con ngựa để tránh chiến tranh. Babruvanahana từ chối, chàng tuyên bố muốn đánh bại Arjuna vì thầy dạy của mình. Vị vua trẻ hạ được đội quân của nhà Pandava, đánh bại Bheema – anh trai Arjuna và giết chết Vrishtaketu – cháu trai Arjuna, đứa con trai duy nhất còn sống sót của Karna. Do đó mà Arjuna đã lập lời thề hoặc giết được Babruvanahana hoặc tự thiêu. Nhờ sự trợ giúp của nữ thần Ganga mà vị vua trẻ giết được cha mình. Sau khi biết được danh tính của Arjuna, Babruvanahana đã rất đau khổ, muốn tự sát, nhưng may mắn là công chúa Ulupi đã kịp sử dụng viên đá Nagamani để hồi sinh Arjuna. Song vì quá thương tiếc cho cháu trai, Arjuna nói với Krishna rằng chàng không thể sống tiếp khi Vrishtaketu chết đi. Vị thần đã giúp Vrishtaketu hồi sinh lại. Hai bên giảng hòa, Babruvahana theo mẹ kế và các anh em Pandava về Hastinapura.

(8) Thời đó có tục bắt vợ

(9) Abhimanyu sau này là người đã thay thế Arjuna phá giải trận đồ Chakravyūha, cậu thiếu niên bị nhà Kaurava và Karna bao vây giết chết vào ngày thứ 13 của cuộc chiến Kurukshetra.

Trang: 1 2 3 4

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia