Sử thi Mahabharata: Draupadi, nàng công chúa sinh ra từ ngọn lửa

Giữa một rừng nhân vật nam có xuất thân, chiến công, ân oán ngút ngàn thì Draupadi là người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong Sử thi Mahabharata (bên cạnh công chúa Amba). Cuộc đời Draupadi có đủ những thăng trầm, vinh quang và cả bất hạnh.

Sự ra đời của Draupadi

Trên danh nghĩa, Draupadi là con gái của vua Draupada – vua xứ Panchala hùng mạnh, nhưng kỳ thực nàng là thiên nữ giáng sinh. Mọi chuyện bắt đầu từ một mối thù hằn giữa vua Draupada với hiền triết Drona – người sau này trở thành thầy dạy đáng kính của cả Pandava và Kaurava.

Chuyện kể rằng vua Draupada khi còn là thái tử đã đến tầm sư học đạo ở chỗ hiền triết Rishi Bhardawaja. Vị hiền triết có một cậu con trai tên là Drona. Hai người xấp xỉ tuổi nhau, do đó mà cả hai nhanh chóng kết làm bạn thân. Tình cảm giữa hai người thắm thiết đến nỗi vua Draupada đã hứa với Drona rằng khi chàng được thừa kế vương quốc Panchala, chàng sẽ chia cho bạn một nửa vương quốc để cùng nhau trị vì. Tuy nhiên, sau khi thừa kế vương quốc và trở thành vua, Drupada nhanh chóng nhận ra sự khác biệt về địa vị giữa mình với người bạn Drona nghèo khổ. Nhà vua nhanh chóng xa lánh bạn, thậm chí ông còn gọi Drona là kẻ ăn mày.

Drona là người có tài, vì vậy ông được nhiếp chính Bhishma mời làm thầy dạy cho các hoàng tử của hai nhà: Kaurava và Pandava. Drona đã dốc hết sức dạy dỗ cho các hoàng tử từ võ nghệ đến nghệ thuật quân sự, và khi kết thúc việc học tập, để thực hiện truyền thống gurudakshina (1), ông đã yêu cầu các học trò đánh bại xứ Panchala cũng như bắt sống vua Drupada.

100 anh em Kaurava thử sức trước, họ bị Drupada đẩy lùi. Kế đến, 5 anh em Pandava, do Arjuna dẫn dắt, tiến đánh Panchala. Lần này vua Drupada bại trận và bị bắt sống đưa đến trước Drona. Vị hiền triết không làm hại gì đến người bạn cũ, ông chỉ yêu cầu bạn thực hiện lời hứa chia cho mình một nửa vương quốc. Vua Drupada đồng ý và được phóng thích. Dù vậy, vua Drupada vẫn cảm thấy bị sỉ nhục, ông giận dữ tìm cách trả thù Drona. Thế nhưng, nhà vua cũng ý thức được rằng ông không thể đánh bại Drona, phần vì thua kém về sức mạnh, phần vì Drona có những học trò kiệt xuất. Vậy là nhà vua quyết định hiến tế một triệu con bò để thực hiện nghi thức Putrakameshti Yajna (2) với mục đích cầu xin một đứa con gái. Khi nghi lễ hiến tế hoàn tất, từ trong ngọn lửa cháy rực, cặp sinh đôi một nam một nữ xuất hiện, họ lần lượt được gọi là Dhrishtadyumna (3) và Draupadi. Cả hai đều được miêu tả có ngoại hình đẹp đẽ, trẻ trung. Riêng nàng Draupadi, khi vừa hiện thân trong ngọn lửa, đã có tiếng nói tiên tri rằng nàng sẽ đem đến sự hủy diệt cho dòng họ Kaurava.

Chú giải:

(1) Gurudakshina: Một tập tục thể hiện sự tri ân đến thầy dạy sau khi người học trò hoàn tất quá trình học tập của mình. Ngoài tri ân bằng tiền bạc, của cải thì người học trò phải thực hiện một nhiệm vụ do thầy dạy giao phó.

(2) Nghi thức hiến tế Putrakameshti Yajna: Nghi thức cầu tự của Hindu. Thường được thực hiện để cầu xin con cái.

(3) Dhishtadyumna: Hoàng tử xứ Panchala, người sau này trở thành đại tướng thống lĩnh quân đội Pandava trong Kurukshetra. Ở cuộc chiến này, nhờ mưu kế của Krishna, chàng đã chặt đầu hiền triết Drona khi ông đang thiền định. Hành động này khiến người em rể của chàng là hoàng tử Arjuna nổi giận, Arjuna đã muốn giết Dhishtadyumna để trả thù cho thầy mình, song vị hoàng tử bị công chúa Draupadi và thần Krishna ngăn cản. Dù Dhishtadyumna được tiên tri sẽ là người giết Drona, nhưng vị hiền triết vẫn nhận chàng làm học trò và truyền dạy kiến thức về quân sự cho chàng.

Trang: 1 2 3 4

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia