Sử thi Mahabharata: Draupadi, nàng công chúa sinh ra từ ngọn lửa

Lễ kén chồng và cuộc hôn nhân với các hoàng tử nhà Pandava

Vua Drupada rất hài lòng trước cặp sinh đôi, nhất là công chúa Draupadi. Ông nuôi dự định gả nàng cho học trò xuất sắc nhất của Drona là hoàng tử Arjuna, bởi khi Arjuna trở thành con rể, chàng sẽ buộc phải đứng về phía nhà vua và giết chết Drona. Tuy nhiên, khi nghe được hung tin rằng 5 anh em nhà Pandava đã bị thiêu chết ở Varnavata, vua Drupada buộc phải tổ chức một cuộc thi kén chồng cho con gái mình, cuộc thi này được gọi là Swayamvara.

Vì Draupadi sớm đã nổi danh là một mỹ nữ, các vương công quý tộc, vua chúa và hoàng tử từ khắp mọi nơi đều đổ về Panchala để tham gia lễ kén chồng của nàng. Các hoàng tử Kaurava, Karna và cả anh em nhà Pandava cũng không phải ngoại lệ. Trong lễ kén chồng này, những người tham gia được yêu cầu sử dụng thần cung và nhắm bắn bằng năm mũi tên vào một mục tiêu ở đằng xa (có bản kể chi tiết rằng thử thách này khó khăn vì phải nhắm bắn qua hình ảnh phản chiếu của mục tiêu, không được nhắm trực tiếp). Chưa nói đến việc nhắm bắn, phần lớn người tham gia đều bỏ cuộc vì không thể thắt nổi dây cung. Duy chỉ có một Brahmin ăn mặc nghèo hèn thực hiện được thử thách này.

Vua Drupada và công chúa Draupadi đều hài lòng với Brahmin, nhưng các vương công quý tộc tham dự lại phản đối kết quả này vì họ cho rằng công chúa Kshastriya không thể kết hôn với Brahmin do khác biệt về đẳng cấp. Họ giận dữ rồi nhanh chóng lao vào tấn công, lễ kén chồng trở thành một cuộc hỗn chiến, công chúa Draupadi được 2 người Brahmin nghèo hộ tống thoát ra ngoài.

Brahmin đã chiến thắng thử thách lúc này mới thừa nhận với nàng thân phận thực sự của anh ta là hoàng tử Arjuna và cùng các anh em của mình đưa nàng đi gặp thái hậu Kunti. Một số phiên bản kể rằng năm anh em đã có cuộc thảo luận về việc Draupadi nên cưới ai, Arjuna bị thuyết phục nhường nàng cho người anh cả.

Khi 5 anh em Pandava về nhà, họ vui vẻ khoe với thái hậu Kunti rằng mình vừa được nhận của bố thí từ vua Drupada. Vì không biết “của bố thí” mà các con mình nói đến là công chúa Draupadi, nên thái hậu Kunti đã tỏ ý muốn họ phải chia sẻ công bằng với nhau. Dù chỉ là một lời nói vô ý, song lời nói của thái hậu đã khiến Draupadi phải lấy cả năm anh em Pandava.

Cuộc hôn nhân đa phu (4) của công chúa Draupadi gây ra tranh cãi gay gắt tại cung điện của vua Drupada. Cuối cùng, nhờ sự ủng hộ của hiền triết Rishi Vyasa, hôn lễ mới được tổ chức. Sau hôn lễ, Draupadi lần lượt đến ở tại nhà của năm hoàng tử, mỗi người hai ngày, họ thỏa thuận rằng thời gian nàng lưu lại ở nhà ai thì bốn người còn lại đều không được phép đến quấy rầy. Draupadi có với mỗi người chồng một cậu con trai.

Hoàng hậu nhà Pandava

Khi năm anh em Pandava được chia cho mảnh đất hoang Khandavprastha, Draupadi ở bên những người chồng của nàng và giúp đỡ họ xây dựng vương quốc cùng kinh đô Indraprastha. Nàng cư ngụ trong cung điện ở khu rừng Khandava. Trong lễ tế Rajasuya Yagna dành cho vị vua cai trị và cũng để chỉ định 4 hoàng tử Pandava bắt đầu cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ, Yudhishthira đã thực hiện nghi thức bên cạnh Draupadi, như một sự khẳng định địa vị hoàng hậu của nàng.

Draupadi đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, giúp đỡ năm người chồng cai trị vương quốc. Nàng trông coi quốc khố và lắng nghe dân chúng. Sự bận rộn của nàng được nhắc đến trong cuộc trò chuyện xoay quanh cuộc sống hôn nhân, gia đình với Satyabhama – một trong số những người vợ của thần Krishna.

Dù là một người vợ tốt, nhưng Draupadi có tính ghen tuông, nhất là đối với thê thiếp của Arjuna. Nàng đã bắt năm người chồng hứa rằng sẽ không đưa bất cứ người vợ nào khác về kinh đô Indraprastha – nơi nàng làm hoàng hậu. Tuy nhiên, sau cuộc hành hương 12 năm của Arjuna, nàng miễn cưỡng cho phép một trong số những người vợ lẽ của chàng là công chúa Subhadra được lưu lại kinh đô Indraprastha cũng như được gặp gỡ chàng mỗi khi không có mặt mình.

Chú giải:

(4) Hôn nhân đa phu vẫn diễn ra trong văn hóa Ấn Độ cổ, tuy nhiên thường chỉ có các nữ quý tộc hoặc quý nữ hoàng thất mới được hưởng tập tục này, nhằm mở rộng huyết mạch hoàng tộc. Khi áp dụng chế độ đa phu, cuộc hôn nhân phải được sự bàn bạc, giám sát và ràng buộc rất nghiêm ngặt từ các hiền triết thông hiểu Veda.

Trang: 1 2 3 4

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia