Sử thi Mahabharata: Draupadi, nàng công chúa sinh ra từ ngọn lửa

Canh bạc ô nhục và phép lạ của thần Krishna

Để cướp đoạt vương quốc của nhà Pandava, Duryodhana đã cấu kết với ông cậu Shakuni lừa Yudhishthira tham gia vào trò đổ súc sắc khi 5 năm em được mời đến kinh đô Hastinapur của nhà Kaurava chơi.

Vì Shakuni giở trò gian lận nên Yudhishthira nhanh chóng thua ván đầu tiên, chàng mất đi vương quốc của mình. Tiếp tục ván thứ hai, chàng lần lượt mất nốt các em và cuối cùng là chính bản thân mình. Khi Yudhishthira không còn gì để đặt cược, Duryodhana đã thuyết phục chàng đặt cược nốt nàng Draupadi. Trò chơi tiếp tục và Yudhishthira vẫn thua cuộc.

Nhà Kaurava đã ngay lập tức cử người đến báo tin cho Draupadi cũng như yêu cầu nàng phải đến Hastinapur để trở thành nô lệ. Nàng thận trọng hỏi rõ câu chuyện trước khi từ chối thực hiện yêu cầu vì theo nàng Yudhishthira đã thua cược bản thân chàng trước, như vậy, chàng đã là kẻ mất tự do và không có đủ tư cách để quyết định số phận một hoàng hậu. Lý lẽ của nàng khiến Duryodhana nổi giận, vị thái tử đã ra lệnh cho em trai mình là hoàng tử Dushasana đưa Draupadi đến triều đường bằng mọi giá.

Hoàng tử Dushasana thực hiện mệnh lệnh của anh trai, hắn nắm tóc Draupadi và kéo lê nàng trên nền đá. Bhima giận dữ trước cảnh tượng tàn bạo đó, chàng thề rằng sẽ khiến tay của Dushasana đứt lìa khi hắn dám chạm vào tóc vợ mình. Giữa đại sảnh, trước sự chứng kiến của các bậc trưởng bối, Draupadi đanh thép chất vấn tất cả mọi người về tư cách của Yudhishthira khi chàng đặt cược nàng.

Để sỉ nhục Pandava hơn nữa, Duryodhana đã nhìn Draupadi và đưa tay vỗ vào đùi mình, ra hiệu cho nàng ngồi lên. Bhima cũng chứng kiến hành vi khiếm nhã đó, chàng đưa ra lời thề thứ hai, đó là sẽ đập gãy đùi Duryodhana (5). Trước tình cảnh này, người em của Duryodhana là hoàng tử Vikarna đã phải lên tiếng yêu cầu các vua chúa và quý tộc trả lời cầu hỏi của Draupadi. Đồng thời, vị hoàng tử cũng tỏ ý đồng tình và bênh vực cho nàng. Vikarna nói thêm rằng, không ai có quyền đặt cược một người phụ nữ theo giới luật; bất kể là chồng, là cha, hay là thần.

Những lời bênh vực của hoàng tử Vikarna khiến Karna giận dữ. Chàng nhắc lại việc Yudhishthira đã thua bạc cũng như đặt cược Draupadi và mất hết tất cả. Thậm chí, Karn còn gọi Draupadi là “con điếm” trước mặt mọi người vì nàng đã kết hôn với năm người đàn ông, bởi vậy nên chàng cho rằng việc lôi nàng đến triều đường chẳng có gì đáng ngạc nhiên, dù nàng ăn mặc tươm tất hay không có mảnh vải che thân. Sau đó, hoàng tử Dushasana được lệnh lột trần quần áo của cả Draupadi và anh em nhà Pandava ngay trên triều đường.

Quá thất vọng vì sự bất lực của năm người chồng, Draupadi đã cầu nguyện thần Krishna bảo vệ mình. Lời cầu nguyện của nàng được đáp lại, ngay lúc Dushasana bắt đầu xé lớp áo sari của nàng, chiếc áo đột nhiên hóa thành một mảnh vải dài bất tận che kín thân thể và nhờ vậy Dushasana phải bỏ cuộc vì kiệt sức mà không thể xé hết chiếc áo. Cũng vào lúc này, hoàng tử Bhima đưa ra lời thề độc thứ ba của mình, chàng thề rằng sẽ uống máu Dushasana để trả thù. Lời thề của chàng khiến mọi người đều sững sờ.

Trong số những người có mặt khi đó, chỉ có hoàng tử Vikarna và người chú Vidura phản đối gay gắt hành vi độc ác của Duryodhana. Vidura thậm chí còn công khai thóa mạ cháu mình là đồ rắn độc, quỷ dữ. Tuy nhiên, ông đành chịu bất lực vì anh trai mình – vua mù Dhristarashtra không có bất kỳ phản ứng nào. Dù không thể hạ nhục Draupadi bằng việc xé váy áo của nàng, Karn lại nghĩ ra một cách hạ nhục khác. Chàng ra lệnh cho người hầu dắt nàng đến chỗ những người hầu và mỉa mai ra lệnh cho nàng chọn một người khác làm chồng, một kẻ không đánh cược nàng như Yudhishthira. Đúng lúc này, tiếng chó rừng hú vang lên báo hiệu điềm xấu. Vừa lúc đó, hoàng hậu Grandhari bước vào đại sảnh và khuyên răn chồng về tội ác mà con trai họ đã gây ra.

Quá lo sợ, vua mù Dhritarashtra buộc phải can thiệp bênh vực Draupadi và cho nàng một thỉnh cầu. Draupadi chỉ yêu cầu trả lại tự do cho Yudhishthira, bởi nàng không muốn con trai và con gái của mình bị gọi là nô lệ. Vua mù tiếp tục ban cho Draupadi thêm một thỉnh cầu nữa nhằm xoa dịu cơn giận giữ của nàng, lần này, Draupadi cầu xin trả lại tự do cho cả năm người chồng cùng vũ khí của họ. Khi vua mù ban cho Draupadi thỉnh cầu thứ ba, nàng từ chối với lý do một phụ nữ thuộc đẳng cấp kshatriya nếu đòi đến ba thỉnh cầu sẽ là dấu hiệu của lòng tham. Vua mù Dhritarashtra thực hiện 2 thỉnh cầu của nàng, ông trả lại của cải, đất đai, tài sản và sự tự do cho các cháu.

Dù vậy Duryodhana vẫn không cam lòng, vị thái tử đã cầu xin và thậm chí đem cái chết ra để ép vua mù phải chấp thuận cho hai bên chơi thêm một ván bạc nữa. Nhà Pandava miễn cưỡng đồng ý, lần này họ vẫn thua và phải chịu che giấu thân phận, lưu đày trong 13 năm.

Chú giải:

(5) Lời thề bẻ gãy đùi Duryodhana: Ở một số phiên bản, lời thề này trở thành lời nguyền mà ông chú của Duryodhana – phó vương Vidura (hóa thân của thần chính pháp) nguyền cháu. Sau khi Duryodhana ép anh em Pandava lưu đày 13 năm, vị thái tử đã chế nhạo người chú Vidura lúc được ông cảnh báo về ác nghiệp của mình, không những vậy Duryodhana còn âm mưu làm hại Pandava. Quá tức giận trước thái độ trơ tráo của cháu trai, Vidura đã giáng lời nguyền rằng Duryodhana sẽ bị Bhima bẻ gãy đùi trên chiến trường và giết chết nếu dám thực hiện âm mưu độc ác hãm hại nhà Pandava.

Trang: 1 2 3 4

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia