Sử thi Mahabharata: Karna, hay bi kịch của một anh hùng

Cầu hôn Công chúa Draupadi và mối thù với nhà Pandava

Trong sử thi Mahabharata, Karna là kỳ phùng địch thủ của Arjuna, cả hai cạnh tranh nhau trong mọi cuộc thi. Cuộc cạnh tranh gay gắt nhất có thể kể đến là cuộc thi Svayambara để kén chồng cho công chúa Draupadi.

Cả Karna và Arjuna đều tham dự vào cuộc thi này. Trong khi Arjuna cùng các anh em của mình cải trang thành khất sĩ để che giấu thân phận, thoát khỏi sự truy sát của thái tử Duryodhana thì Karna lại công khai tham gia cuộc thi. Trong cuộc thi, Arjuna là người duy nhất nhấc và kéo được thần cung. Karna phản đối Arjuna (trong lốt khất sĩ) với lý do cuộc thi chỉ dành cho tầng lớp kshatriyas và không thể để sự lẫn lộn giữa các tầng lớp (ở đây là Brahmin và Kshatriyas) xảy ra. Tuy nhiên, Arjuna chỉ khăng khăng rằng mình là một đấu sĩ Brahmin (Bà la môn chiến đấu). Điều này khiến công chúa Draupadi xiêu lòng, nàng lựa chọn trao vòng hoa cho Arjuna. Lựa chọn của công chúa khiến Karna – một người luôn bị ám ảnh bởi đẳng cấp – bất mãn.

Sau này, trong canh bạc tranh giành quyền thừa kế vương quốc của Kaurava và Pandava, Karna đã trả đũa bằng việc chế nhạo 5 anh em Pandava. Chưa dừng lại ở đó, chàng còn lăng nhục công chúa Draupadi bằng cách kích động thái tử Duryodhana lột váy áo của nàng và gọi nàng là “con điếm” trước đông đảo mọi người. Dù một thời gian sau, khi bình tâm lại và suy ngẫm về khẩu nghiệp của mình, Karna tỏ ra rất hối tiếc và dằn vặt, song nó đã để lại hậu quả nghiêm trọng là khiến Arjuna cùng các anh em của mình đưa ra lời thề trả thù.

Khám phá ra thân phận thực sự

Trước khi cuộc chiến Kuruksetra diễn ra, thần Krishna đã tiết lộ cho Karna biết về thân phận thật sự của chàng. Thật ra, Karna chính là người anh cùng mẹ khác cha của 5 anh em nhà Pandava, bởi công chúa Pritha năm xưa đã kết hôn với vua Pandu và trở thành thái hậu Kunti hiện giờ. Nếu Karna khôi phục thân phận, chàng sẽ trở thành anh cả của nhà Pandava, có quyền thừa kế vương quốc cũng như kết hôn cùng Draupadi – người vợ chung của các hoàng tử Pandava.

Tuy nhiên, Karna từ chối lời đề nghị của thần Krishna. Chàng cho rằng dù thái hậu Kunti đã sinh ra mình, song người mẹ hèn kém Radha mới là người thương yêu và nuôi dưỡng chàng, điều đó khiến chàng coi bà như mẹ đẻ. Chàng cũng từ chối việc được kết hôn với công chúa Draupadi vì lúc này chàng đã có vợ, con trai và cháu trai. Karna coi trọng mối liên kết tình cảm với cha mẹ nuôi cũng như thái tử Duryodhana hơn tất thảy, do vậy chàng từ chối việc phản bội nhà Kaurava cũng như giữ lời hứa với thái tử là chiến đấu chống lại Arjuna, bất kể họ là anh em chung một mẹ.

Ngay cả khi đích thân thái hậu Kunti cùng thần Surya, theo lời thần Krishna, đến gặp Karna. Chàng cũng không ngần ngại chào bà và tự giới thiệu mình là con của cặp vợ chồng người đánh xe nghèo. Tuy nhiên, Karna hứa với thái hậu Kunti rằng ngoại trừ Arjuna, chàng sẽ không động đến ai trong số bốn người anh em còn lại của mình. Và dù Arjuna hay Karna chết đi, thái hậu Kunti sẽ vẫn có thể nói rằng bà chỉ có 5 người con trai mà thôi.

Tử chiến

Vì Karna có hoa tai và áo giáp vàng bất bại, nên trước khi cuộc chiến xảy ra, những người anh em của Arjuna cùng với thần Indra – cha đẻ của Arjuna – đã bàn nhau kế sách để tước bỏ hai vũ khí lợi hại này. Thần Surya biết được kế hoạch của họ, thần cảnh báo rõ cho con trai của mình biết thần Indra sẽ lợi dụng sự hào phóng của Karn mà xuất hiện trong lốt một thầy tu Bà la môn và ngỏ lời xin hai báu vật. Tuy nhiên, Karna vẫn chấp nhận trao cho thần Indra hai báu vật, vì vua của các thần đã phải cầu xin chàng làm vậy.

Mọi chuyện sau đó diễn ra đúng như những gì thần Surya tiên đoán. Dẫu vậy, thần Indra vẫn đáp lại sự hào phóng của Karna bằng việc ban cho chàng một món vũ khí lợi lại, có thể giết chết bất kỳ ai, không phân biệt thánh hay phàm.

Karna giữ món vũ khí của thần Indra ban tặng rất cẩn thận, vì nó chỉ sử dụng được một lần và chàng muốn dùng nó để giết Arjuna. Thế nhưng, một lần nữa, Karna không được toại nguyện. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn tàn khốc, Arjuna dốc sức trả thù cho con trai mình, còn Bhima và con trai Ghatotkacha hạ gục vô số binh lính nhà Kaurava. Các đồng minh của nhà Kaurava đã cầu xin Karna sử dụng món vũ khí lợi hại để giết Ghatotkacha, vì vương tử trẻ tuổi có khả năng gây ra ảo giác mạnh, khiến phe Kaurava lao đao trong suốt cuộc chiến. Karna chấp nhận lời cầu xin này, chàng hi sinh vũ khí mạnh nhất để giết Ghatotkacha.

Vào hai ngày cuối cùng của cuộc chiến, Karna đối đầu với Arjuna trên chiến trường. Cả hai chiến đấu hết sức của mình vì con trai của Arjuna đã bị phe Kaurava giết hại một ngày trước đó. Không may cho Karna, bánh xe ngựa của chàng bị mắc kẹt và chàng buộc phải bước xuống để kéo nó lên. Điều trùng hợp là con trai của Arjuna cũng đã bị giết trong hoàn cảnh tương tự. Vi thế, chính lúc này Arjuna đã nhân cơ hội ra đòn quyết định để kết liễu Karna bằng một mũi tên chí mạng.

Dù Karna thua trong cuộc đấu với Arjuna, tuy nhiên, chàng vẫn nhận được sự kính trọng nhất định từ nhiều nhân vật khác, bao gồm cả Krishna. Thần Krishna đã ngợi khen Karna là người hiểu và thực hành được “pháp” (danh dự, bổn phận, đạo đức). Cho đến tận ngày nay, ở một số nơi, người ta vẫn thờ phụng Karna bên cạnh thần mặt trời Surya.

P/S: Câu chuyện về Karna mang rất nhiều ẩn ý triết học, tôn giáo. Theo nhiều học giả, cuộc đối đầu giữa Karna và Arjuna là một phiên bản khác của cuộc đối đầu giữa Surya và Indra. Về phần này, khi nào rảnh rỗi mình sẽ có một bài riêng, các bạn sẽ thấy Karna là minh chứng sống của câu like father, like son 

Trang: 1 2

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia