Sử thi Mahabharata: Krishna

Về Mahabharata

Mahabharata là một bộ sử thi cực kỳ đồ sộ, có thể sánh ngang với Illiad của Homer. Khác với Ramayana chủ yếu tập trung vào các chiến công của hoàng tử Rama và kết cấu khá đơn giản, thì Mahabharata hệ thống nhân vật rất phức tạp, từ họ hàng anh em đến kiếp trước kiếp sau, con nuôi con đẻ của thần/vua,… Mỗi nhân vật lại có những điển tích, câu chuyện khác nhau, nói chung nó gần như bao trọn toàn bộ thần thoại Ấn.

Để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ lần lượt giới thiệu từ hệ thống nhân vật rồi mới đến nội dung sử thi và xen kẽ với đó là các phần của Bhagavad Gita (Chí tôn ca) – tác phẩm cực kỳ quan trọng định hình lên một phần thế giới quan của người Ấn Độ.

Trước cuộc chiến Kurukshetra

Trong sử thi Mahbharata, Krishna được miêu tả là hóa thân của thần Vishnu, do cặp vợ chồng công chúa Devaki và vua Vasudeva của gia tộc Yadava xứ Nathdwara sinh ra. Trước khi Krishna ra đời, người bác họ là vua Kamsa nước Vrishni (anh họ công chúa Devaki) đã được tiên tri rằng sẽ bị đứa con thứ tám của em họ mình giết chết. Vì thế, để chống lại lời tiên tri, vua Kamsa tống hai vợ chồng em họ vào ngục sau khi ép công chúa Devaki hứa giao nộp con cho mình. Kamsa lần lượt sát hại sáu đứa cháu đầu tiên.

Qúa sợ hãi trước sự tàn ác của người anh vợ, khi Krishna được sinh ra, vua Vasudeva đã lén bế Krishna lội qua sông Yamuna để đến Gokul nhằm tráo đổi đứa trẻ mới chào đời với con gái của cặp vợ chồng thủ lĩnh của những người chăn gia súc là Nanda Baba (cô bé này vốn do nữ thần Durga hóa thành để cứu Krishna). Nhờ vậy, Krishna đã thoát chết và được vợ chồng Nanda Baba nuôi dưỡng. Thời thơ ấu của Krishna trôi qua rất yên ả và gắn liền với những trò nghịch ngợm, chọc phá các gopis (các thiếu nữ đi lấy sữa) cùng người bạn (sau này là người yêu) Radha.

Tuy nhiên, khi Krishna trưởng thành thì cũng là lúc vua Kamsa biết về sự tồn tại của cháu mình (do trước khi bé gái do nữ thần Durga hóa thành biến mất, đã thả thêm một lời cảnh báo là đứa con thứ tám của công chúa Devaki đã được sinh ra khỏe mạnh, đang trốn ở Gokul), hắn liên tục bày ra những âm mưu nhằm sát hại cháu và đều thất bại. Cuối cùng, Krishna tìm đến kinh đô Mathura, giết chết tên bạo chúa cũng như giải thoát cho cha mẹ đẻ của mình, đồng thời quay trở về với thân phận thật sự là hoàng tử của Yadavas. Một phiên bản khác của câu chuyện thì lại kể rằng Krishna dẫn người dân Yadavas đến thành Dwaraka – tòa thành mới được dựng lên để tặng cho Krishna, nhờ vậy mà thần có cơ hội kết bạn với Arjuna và các hoàng tử khác của nhà Pandava tới từ vương quốc Kuru.

Tham gia cuộc chiến Kurukshetra

Trước khi cuộc đại chiến diễn ra, Krishna đã cho phép bạn thân của mình là hoàng tử Arjuna của nhà Pandavas được lựa chọn giữa hai sự trợ giúp: một bên là đạo quân hùng mạnh và bên còn lại là Krishna – người sẽ không cầm bất cứ binh khí nào trên chiến trường. Hoàng tử Arjuna đã lựa chọn Krishna làm người đánh xe ngựa cho mình, vị thần chấp nhận.

Trên chiến trường, khi phải đối đầu với gia đình, ông nội cùng các anh em họ và nhiều người thân khác của mình, hoàng tử Arjuna đã thoái chí, muốn từ bỏ cuộc chiến. Song, Krishna đã khuyên giải hoàng tử cũng như giảng giải về đạo đức, bản chất sự sống, bản chất thiện và ác,… Cuộc trò chuyện này được gọi là Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca). Sau cuộc nói chuyện, hoàng tử Arjuna lại có quyết tâm tham gia cuộc chiến.

Krishna cũng là người đã bảo vệ cho công chúa Draupadi – vợ của 5 hoàng tử Pandavas – khỏi sự nhục mạ của đại hoàng tử Duryodhana nhà Kaurava.

Khi cuộc chiến kết thúc, Krishna bị Grandhari – thái hậu của nhà Kaurava, phe thua trận – nguyền rủa. Lời nguyền sau đó ứng nghiệm, và thần Krishna thăng thiên khi bị một thợ săn tên là Jara bắn nhầm.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia