Sử thi Mahabharata: Lão tướng Brishma

Bhishma là lão tướng của nhà Kaurava, đồng thời là ông bác của cả hai gia tộc trong cuộc chiến Kurukshetra. Trong sử thi Mahabharata, ngoại trừ thần Krishna, thì Bhishma gần như là chiến thần bất bại.

Sự ra đời của Bhishma

Bhishma là người con trai thứ tám của vua Chaianu và Ganga – một thiếu nữ xinh đẹp sống bên bờ sông Hằng. Xoay quanh sự ra đời của Bhishma có câu chuyện ly kỳ như sau:

Một lần vua Chaianu đi dạo, ông gặp được thiếu nữ Ganga xinh đẹp và ngỏ lời cầu hôn nàng. Ganga đồng ý, tuy nhiên nàng đặt ra điều kiện, đó là vua Chaianu không được đặt ra bất kỳ câu hỏi nào về hành động của nàng nếu không họ sẽ ngay lập tức phải chia lìa. Nhà vua đồng ý và kết hôn với nàng.

Sau khi kết hôn, Ganga mang thai rồi lần lượt sinh hạ bảy hoàng tử, nhưng lại đều lựa khi trời tối mà đem ra sông dìm chết. Đến người con thứ tám, nàng bị chồng ngăn cản, không cho dìm chết. Hành động này của vua Chaianu phạm phải lời hứa lúc trước, thế nên nó chia cắt nhà vua với hoàng hậu của mình.

Trước khi ôm con bỏ đi, Ganga cho vua Chaianu biết rằng nàng chính là nữ thần sông Hằng và 8 đứa con do nàng sinh hạ là tám Vasu (tùy tùng của thần Indra) bị hiền triết Vasishtha nguyền rủa nên phải hạ sinh làm người phàm. Tuy nhiên, vì các Vasu đã cầu xin hiền triết nên lời nguyền được giảm nhẹ, họ chỉ phải sống trong kiếp người phàm 1 năm mà thôi. Các Vasu bèn nhận nữ thần Ganga làm mẹ và nữ thần chấp nhận cũng như hoàn thành lời nguyền sống một năm trong kiếp người phàm của họ bằng cách lần lượt dìm chết 7 đứa trẻ. Thế nhưng, hành động của vua Chaianu đã khiến cho Vasu thứ tám phải sống cuộc đời phàm trần lâu hơn cũng như khiến nữ thần sông Hằng không thể ở bên cạnh ông được nữa.

Điều duy nhất an ủi vua Chaianu là đứa con thứ tám này – tức hoàng tử Bhishma – vì ân huệ tiền kiếp của hiền triết Vasishtha ban cho sẽ trở thành một người có đạo đức, thông thạo tất cả các thánh thư và ngoan ngoãn với cha mình. Do đó, nữ thần Ganga đưa đứa bé đến Thiên Giới để dạy dỗ, huấn luyện cho xứng đáng trở thành người thừa kế ngai vàng trong tương lai.

Lời thề của Bhishma

Ban đầu, hoàng tử thứ tám của vua Chaianu tên là Devratha, cái tên Bhishma được xuất phát từ lời thề mà hoàng tử đã đưa ra, được gọi là lời thề bhishamana pratignya (Lời thề khủng khiếp). Sự tích của lời thề chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc đại chiến Kurukshetra sau này:

Sau khi quay lại với cha, hoàng tử Devratha thuận lợi giành được quyền thừa kế ngai vàng nhờ vào tài cầm quân cũng như dòng máu bán thần của mình. Vua Chaianu cũng rất tự hào về người con này. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu nhà vua không đem lòng yêu Satyavati – một thiếu nữ làm nghề chài lưới, thường chèo thuyền trên sông. Vua Chaianu ngỏ lời cầu hôn Satyavati, tuy nhiên cha của nàng từ chối lời cầu hôn này, trừ phi nhà vua chịu tuyên bố sẽ cho các con của Satyvati thừa kế. Ban đầu, vì e ngại luật lệ truyền ngôi của dòng dõi Bharat nên nhà vua đành gạt bỏ chuyện cưới xin với Satyvati.

Thế nhưng, nỗi buồn bã của nhà vua đã khiến hoàng tử Devratha chú ý đến, chàng chủ động tìm hiểu nguyên nhân. Và khi biết cha mình buồn vì không lấy được mỹ nhân, chàng đã đến gặp cha của Satyavati để thuyết phục ông hãy chấp nhận lời cầu hôn, chàng đồng ý từ bỏ quyền thừa kế của mình. Nhưng sự nhượng bộ này vẫn không thỏa mãn được ông lão, ông ta cho rằng Devaratha từ bỏ song chẳng có gì chắc chắn con cháu chàng không tranh giành. Vậy là để giúp vua Chaianu cưới được Satyavati, hoàng tử Devratha lập lời thề sống độc thân trọn đời, từ chối vương miện và cả thú vui đôi lứa. Lời thề cao cả này đã được chứng giám, chàng được ban cho phần thưởng là được tùy ý lựa chọn thời điểm chết và cách chết – phần thưởng giúp chàng gần như trở thành bất tử. Cũng từ đây hoàng tử Devratha được đổi tên thành Bhishma.

Sau khi hoàng tử Devratha (giờ là Bhishma) từ chối ngai vàng, nhiều người tỏ ý nghi ngờ về dòng dõi cao quý của những đứa con do Satyavati sinh ra, đồng thời chê trách vua Chaianu vì sự bất công này. Nhưng một lần nữa, Bhishma lại lên tiếng bên vực cho cha, chàng nói rõ rằng nhà vua chưa hề hứa bất cứ điều gì với Satyavati. Các đại thần lập tức hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thái tử sau này không đủ khả năng? Trước câu hỏi này, Bhishma buộc phải lập lời thề thứ hai của mình – lời thề Brahmacharya – trọn đời phục vụ trung thành cho quân vương ngồi trên ngai vàng của vua Chaianu, bất kể người đó là ai.

Tham gia trận chiến Kurukshetra

Luận về vai vế, Bhishma là anh trai của ông nội 5 hoàng tử Pandava và các hoàng tử Kaurava (trên danh nghĩa). Vì vậy, ông không hề vui vẻ gì khi cuộc chiến tương tàn diễn ra.

Bhishma miễn cưỡng tham gia trận chiến với tư cách là lão tướng thống lĩnh toàn bộ quân đội của nhà Kaurava trong 10 ngày đầu, nhờ vậy mà nhà Kaurava giữ được thế hòa hoãn với nhà Pandava. Sức mạnh của Bhishma được thể hiện rõ trong ngày thứ 9 của cuộc chiến, khi mũi tên của ông khiến cả Arjuna và thần Krishna bị thương. Thần Krishna cũng vì vậy mà nổi điên, xuống xe ngựa, định nhặt bánh xe lên chơi ném đĩa, dù đã thề không cầm vũ khi ra chiến trường. May mắn là hoàng tử Arjuna kịp thời khuyên thần Krishna bình tĩnh lại.

Đến ngày thứ 10, phe Pandava nhận thấy cần phải tiêu diệt Bhishma trước nếu muốn giành thắng lợi, vì vậy họ đưa chàng thanh niên Sikhandin – một người có dung mạo xinh đẹp như phụ nữ (có dị bản kể là phụ nữ) – tham chiến. Sikhandin bắn Bhishma trong khi Bhishma không phản kháng vì nguyên tắc không ra tay với phụ nữ. Tuy nhiên, vị lão tướng không ngờ rằng hoàng tử Arjuna lại nấp sau lưng Sikhandin. Mỗi mũi tên mà Sikhandin bắn trượt đều được Arjuna – xạ thủ cự phách của nhà Pandava – bắn nhắm theo. Do đó, mũi tên đã xuyên thủng áo giáp của Bhishma. Vị lão tướng qua đời một cách bi tráng khi thân thể lơ lửng trên mặt đất vì số mũi tên xuyên qua người ông nhiều đến nỗi đan thành giường nằm. Điều cuối cùng mà Bhishma làm trước lúc chết là khuyên giải Karna lẫn hai gia tộc kết thúc cuộc chiến.

Khi Bhishma chết đi, cả hai phe đều ngưng chiến để tỏ lòng kính trọng, còn chư thiên đều chắp tay cúi chào.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia