Tamamo no Mae [玉藻前] – Ngọc Tảo Tiền

Tamamo là một nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết Nhật Bản và cũng là cửu vĩ hồ mạnh nhất từng tồn tại. Tương truyền rằng ả luôn ấp ủ mưu đồ thao túng đất nước, song lại thất bại trong việc giết hại Nhật Hoàng nên đã phải trả giá bằng chính mạng của bản thân. Dẫu vậy, Tamamo no Mae vẫn là một trong Tam Đại Yêu Quái của Nhật Bản.

Có nhiều ghi chép không chính thống về gốc gác của Tamamo no Mae liên kết với những nhân vật được cho là cửu vĩ hồ trong truyền thuyết như Đát Kỷ hay Bao Tự, dẫu chưa rõ thực hư về độ chuẩn xác, song các điển tích này đều chứng minh về tuổi đời lâu năm hơn bất kì yêu quái nào từng tồn tại. Tamano no Mae được cho là xuất hiện vào khoảng 3,5000 trước, không có nhiều ghi chép về tuổi thơ nhưng chắc chắn rằng ả đã luyện ma pháp và rồi trở thành một nữ phù thuỷ. Sau hàng trăm năm tồn tại, cơ thể ả dần mọc lên những sợi lông vàng, khuôn mặt trở nên trắng bệch. Không lâu sau, Tamamo no Mae trở thành một Kyubi no Kitsune. Ả rất tài trong việc sử dụng bùa mê thuốc lú, thao túng kẻ khác. Không chỉ với vẻ ngoài ưa nhìn, Tamamo no Mae còn rất thông minh, bởi vậy ả luôn được những người có quyền chức để ý, dần dần thực hiện được mưu đồ của mình.

Những câu chuyện xung quanh

Có người cho rằng, dưới triều đại nhà Thương (1766 – 1122 TCN), Tamamo no Mae lấy tên là Đát Kỷ, nhanh chóng thu hút sự chú ý của Trụ Vương. Đát Kỷ là một phụ nữ đẹp mê hồn, khiến Trụ Vương say đắm theo những yêu cầu của ả mà quên mất nhiệm vụ của một đế vương. Theo tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, Đát Kỷ bị một hồ ly tinh do Nữ Oa phái xuống nhập vào, đã khiến triều đại nhà Thương suy vong, tạo điều kiện cho nhà Chu lên nắm quyền. Mê muội trước vẻ đẹp của vương hậu, Trụ Vương đã rất cưng chiều ả, ban cho ả một nơi riêng trong cung để vui chơi cùng các mỹ nhân. Trò vui ở đây cũng rất kì lạ, rằng Đát Kỷ thích xem cảnh đánh đập động vật bằng roi, khiến hằn lên những vết đỏ, rướm máu, rồi đem đi nướng để thưởng thức, hoặc treo lên thành rừng. Tại đây, Trụ Vương còn đổ rượu vào những hồ nhỏ, rồi cùng Đát Kỷ và Mỹ nhân xuống đây tắm. Theo sử sách ghi, Đát Kỷ đã gây nhiều thay đổi trong tâm tính Trụ Vương, tựa như một sức mạnh ma thuật nào đó thao túng con người. Từ khi gặp Đát Kỷ, đế vương đã trở nên dâm ô, chỉ biết đến rượu chè, phụ nữ, theo Sử ký Tư Mã Thiên, Trụ Vương con tổ chức lễ hội để người tham gia quan hệ tình dục cùng lúc với thê thiếp của mình, tạo ra các bài hát khiêu dâm, thô thiển. Sau khi Trụ Vương tự sát, Đát Kỷ đã trốn thoát, chạy tới vương quốc Magadha thuộc Ấn Độ, lúc ấy là vào năm 1046 TCN.

Tiếp theo đấy, tại vương quốc Magadha, Tamamo no Mae tự xưng là “tiểu thư Kayo”, trở thành bạn tình của vua Kalmashapada. Cũng tại đây, Tamamo đã dùng phép thuật quyến rũ nhà vua, khiến ông bắt đầu ăn thịt trẻ con, giết hại các linh mục, khiến Magadha trở thành một bể máu với nỗi kinh hoàng khó quên. Cuối cùng, Kalmashapada đã được các nhà sư Phật giáo cứu giúp, đã tuyệt tình với Tamamo. Tamamo no Mae lại trở về Trung Hoa.

Lúc này Trung Hoa đang ở dưới sự trị vì của Chu U Vương nhà Chu, Tamamo lấy danh là Bao Tự. Bao Tự là một trong những mỹ nhân Trung Hoa thời nhà Chu, được Bao Quýnh dâng lên khi mắc đại tội. Năm 779 TCN, Chu U Vương đã lập ả làm thứ phi, có điều Bao Tự không hài lòng, u uất ngày đêm khiến đế vương đã phải phế truất vương hậu, lập Bao Tự làm thứ hậu. Có điều, Bao Tự rất ít khi cười. Vì muốn trông thấy ả cười, Chu U Vương đã ra lệnh rằng, ai làm ả cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Thấy hoàng đế mê mải bên vương hậu, rất nhiều quan lại và quý tộc đã quay lưng lại với nhà vua, câu kết lật đổ. Cuối cùng thì, nghe lời một nịnh thần, Chu U Vương đã đốt lửa trên cột lửa hiệu triệu chư thần, đùa giỡn, khiến quân chư hầu tưởng có giặc xâm chiếm, lập tức mang quân đến cứu. Xong khi đến kinh thành, cảnh vật vẫn yên bình như không, còn Bao Tự thì ở trên đài bật tiếng cười lớn. Thấy Bao Tự cười, Chu U vương hoan hỉ, liên tục làm vậy. Các nước chư hầu bị lừa nhiều lần, đã mất lòng tin vào nhà Chu. Chư hầu nước Thân thấy bất bình, bèn liên kết với nước Tằng và tộc Khuyển, Nhung, đem quân đánh úp. Tình hình nguy cấp, Chu U Vương vội đốt lửa để hiệu triệu, song chẳng chư hầu nào tới cứu giúp. Nhà Chu đã bị lật đổ, Bao Tự trốn thoát, ẩn mình trong một thời gian dài.

Bao Tự được lưu danh như một “hồng nhan họa thủy“, được đứng trong danh sách các mỹ nhân Trung Hoa có ảnh hưởng lớn tới lịch sử cùng Đát Kỷ và Muội Hỉ. Dẫu vậy, đây có thể chỉ là những ghi chép để nâng lên quyền lực của Tamamo no Mae, chứ không rõ tất cả có phải một hay không. Bởi theo nhiều tích kể khách nhau, Đát Kỷ đã nhận sự trừng phạt của Nữ Oa, chứ không sống sót để trốn đi.

Trang: 1 2

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia