Krios và Eurybia – Các vị thần cai quản năm, tinh tú và sức mạnh biển cả

Krios (Crius) là một trong số các Titan thế hệ đầu tiên, con trai của Ouranos và Gaia. Krios cũng là một trong số những Titan đã tham gia vào cuộc lật đổ Ouranos. Vì Krios đứng ở góc phía nam khi giữ chặt cha mình nên ông đại diện cho cột chống phía nam của thiên đàng. Vị trí này có liên quan đến cả tên gọi lẫn những mối liên kết gia đình của Krios: – ông còn có tên gọi ‘Ram’, chòm sao Bạch Dương – chòm sao mọc lên vào mùa xuân ở phương nam đánh dấu thời điểm bắt đầu năm mới theo lịch của người Hy Lạp; con trai cả của Krios là Astraios (Astraeus), thần cai quản các vì sao; và vợ của ông là nàng Eurybia, con gái biển cả.

Về nàng Eurybia, nàng là nữ thần cai quản sức mạnh biển cả. Sức mạnh mà nàng cai quản có ảnh hưởng đến việc mọc và lặn của các chòm sao, thời tiết bốn mùa và gió. Eurybia và Krios là ông bà của nhiều vị thần cai quản các sức mạnh biển cả, trong đó có Anemoi (Gió), Astra (Các vì sao), Hekate (Thuật phù thủy), Selene (Mặt trăng), Nike (Chiến thắng), Bia (Vũ lực), Kratos (Quyền lực), Zelos (Sự cạnh tranh).

Tất nhiên, giống với những người anh em khác của mình, Kiros cũng bị Zeus ném vào ngục Tartaros sau trận đại chiến.

Bên lề

Krios có liên quan nhiều đến chòm sao Bạch Dương (trong tiếng Hy Lạp gọi là Krios hay Ram). Ngoài việc là chòm sao đánh dấu năm mới trong lịch Hy Lạp cổ. Krios là vị thần nguyên thủy cai quản các chòm sao. Nếu người anh em Hyperion – cha của mặt trời, rạng đông và mặt trăng – cai quản ngày và tháng, Krios đảm nhận việc sắp xếp năm. Điển tích Krios bị đày xuống Tartaros đại diện cho sự đi xuống của những chòm sao bên dưới đường chân trời, lùi dần vào âm phủ.

Con trai của Krios là Pallas Perses cai quản những chòm sao cụ thể: Perses ‘Kẻ tàn phá’ – cái tên có liên quan đến Perseus hoặc sao Thiên Lang Sirios (Sirius), và thỉnh thoảng thì Pallas – Titan da dê ‘người vung giáo’ cai quản Auriga (chòm sao Ngự Phu) và ngôi sao sáng nhất của chòm này là sao Capella. Con gái của Perses là Hekate cũng có mối liên kết với Sirios. Con trai thứ ba của Krios là thần Astraios (Astraeus) cai quản các vì sao nói chung và gió mùa. Astraios cũng là vị thần triệu tập những cơn gió Etesian (chỉ những cơn gió bắc khô và mạnh của biển Aegean thổi từ tháng 5 đến giữa tháng 9) để làm dịu đi cái nóng giữa mùa hè mà sao Thiên Lang đem đến.

Krios cũng có liên quan đến các vị cựu thần ở Euboia (hòn đảo lớn thứ hai về diện tích và dân số của Hy Lạp sau đảo Krete) là Karystos (Carystus) và Sokos (Socus), hai vị thần này trong một số dị bản khác được miêu tả là cha của Aristaios Melisseus. Ngoài ra, cũng có truyền thuyết miêu tả Krios là một vị thần Euboia.

Có lẽ người ta hình dung về Krios giống như một vị thần hình cừu, hoặc chí ít cũng mang các đặc điểm giống cừu như cặp sừng cong tương tự vị thần Ammon của người Libya. Các con của ông cũng sở hữu những đặc điểm giống động vật: Pallas có làn da dê (sau này bị Athena lột làm khiên chắn), Perse cha của Hekate (một trong số các biểu tượng của Hekate là chó) có lẽ giống chó, và Astraios, cha của những vị thần gió mang hình dáng con ngựa cũng ở trong hình dạng ngựa.

Các cháu của Krios và Eurybia đại diện cho sự chế ngự biển cả của con người: gió – thuyền buồm, các vì sao – sự định hướng, và vũ lực, quyền lực và chiến thắng đại diện cho uy quyền của hải quân.

Hy Lạp là đất nước của biển đảo, nên không lạ khi họ có một hệ thống thần liên quan nhiều đến biển.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia