Bắc Quốc trấn yểm: Đức Thánh Tam Giang

Trận tuyến song Như Nguyệt và sự linh ứng của Đức Thánh Tam Giang

Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và hoàng tử trưởng Đinh Liễn bị sát hại bởi quan nội hầu Đỗ Thích, triều đình rơi vào một thế hiểm nghèo, tứ trụ vốn là những người trung thành với triều đại cũ, thập đạo tướng quân lại nắm trong tay quá nhiều quyền lực, Đinh Toàn được đưa lên ngôi với hiệu Đinh Phế Đế, tuy nhiên nhà vua quá nhỏ tuổi nên thái hậu và thập đại tướng quân nắm quyền nhiếp chính, một cuộc đổi ngôi diễn ra, Đinh Toàn bị phế xuống làm Vệ Vương, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thắng lợi… Thắng lợi do sự lãnh đạo tài tình, do sự đoàn kết quân dân… Nhưng trong kì này, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào sự can thiệp từ các vị thần thánh của nước Nam và những mưu đồ của phương Bắc.

Đầu tiên chúng ta nói sơ qua về xuất thân của Đức Thánh Tam Giang. Đây là danh xưng chung cho hai vị tướng nhà họ Trương, sinh sống dưới đời Triệu Việt Vương. Hai ngài là hai anh em trong số 5 người con được sinh bởi Phùng Từ Nhan ở làng Vân Mẫu (Bắc Ninh ngày nay). Thân mẫu của 5 anh em có thai trong 14 tháng và sau đó hạ sinh một bọc gồm 5 trứng, nở ra 5 người con là Trương Lừng, Trương Lẫy, Trương Hống, Trương Hát và Trương Đạm Nương. Cả 5 người đều là con của Thần Long, kết tinh sinh khí của trấn Kinh Bắc mà thành, vì vậy nên người mẹ lấy họ Trương là họ của Ngọc Hoàng mà đặt cho các con. Khi khởi nghĩa Lý Nam Đế bị đàn áp, viên tướng Triệu Quang Phục đem quân lui về đầm Dạ Trạch, ngày đêm tập luyện để giành quyền tự chủ cho đất nước, rất nhiều những anh hùng hào kiệt đã quy tụ dưới trướng của ông nhằm mong góp sức, 5 anh em nhà họ Trương cũng không ngoại lệ. Lập được những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc Lương dành lại độc lập. Trong đó, Trương Hống và Trương Hát là những bộ tướng tài năng nhất dưới trướng Triệu Việt Vương, được nhà vua phân tước, phong thực ấp. Tuy nhiên khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử đánh úp và tự vẫn, cả hai an hem thương tiếc cho người thủ lĩnh, quyết không ăn ở hai long, đưa gia quyến đóng bè xuôi theo dòng sông Cầu để tránh sự truy lùng của Nam Đế, cuối cùng tất cả đã uống thuốc độc để giữ lòng trung với vua, nhân dân dọc hai bờ sông thương tiếc, lập đền thờ làm Thần.

Vào năm 981, lợi dụng sự non trẻ của triều Tiền Lê, quân Tống đưa một lượng lớn quân sĩ vượt biên đánh thẳng vào kinh đô Hoa Lư theo đường thuỷ, nhằm thôn tính Đại Cồ Việt. Tất nhiên, mỗi lần đánh chiếm nước ta, quân của Bắc Quốc không chỉ mang theo binh hùng tướng mạnh mà còn mang theo cả những thầy phù thuỷ, pháp sư, những thầy địa lý đi dò xét liên tục địa thế của nước Nam, nhằm tấn công vào những nơi huyết mạch, chặn đứng sự giúp đỡ của đất trời, triệt tiêu yếu tố thiên thời, địa lợi. Như ở kỳ trước, gã đi tìm huyệt quý cũng chính là một phù thuỷ, mục địch là tìm một ngôi huyệt đẹp để làm lộc cho con cháu sau này, tuy nhiên Đinh Bộ Lĩnh sớm nhận ra, nên đã làm hỏng mục đích của hắn dẫn đến sự trả thù của y. Lần này cũng vậy, trước khi cất quân sang xâm lược nước ta, rất nhiều những phù thuỷ và thầy địa lý của chúng đã được cử sang để khảo sát địa hình, tìm nơi đóng quân, trấn yểm những trận địa để có thể tăng khả năng chiến thắng, giảm tối thiểu thiệt hại.

Trong khoản 2-3 năm trước khi cất quân sang xâm lược, chúng đã thao túng những vùng biên cương, gây ra sự chia rẽ lớn trong sự đoàn kết đánh giặc, sau đó, chúng đi khắp các vùng lân cận kinh đô để khảo sát địa thế. Trong quân sự thời xưa, việc gió thổi hướng nào, trời quang đãng hay mây mù, theo suy nghĩ của những bậc cầm quân đều ngầm định ý chỉ của bậc thần thánh, nếu mọi điều kiện tự nhiên đều phù hợp thì gọi là thuận thiên, nếu không thì phải có đàn tế để xuất quân. Khắp khu vực quanh kinh đô Hoa Lư có rất nhiều con sông để triển khai thuỷ binh, nhưng con sông nào là tốt nhất ? Nên nhớ những con sông ở nước Nam đều có những thần sông, những thần sông ấy là những người có công nên được thượng đế ban chức tước, trấn giữ dòng nước kia, nếu như những kẻ ngoại xâm với ý đồ xấu vào, chắc chắn sẽ bị cản trở, nhẹ thì nước lớn, gió bão, mây mù, nặng thì cuồng phong, Giao Long, Thuồng luồng… Vì vậy việc của các phù thuỷ phương Bắc là làm sao để che mắt các vị thuỷ linh ấy, che mắt sơn thần thổ địa để hành động cho dễ dàng. Thêm vào đó, nước ta có một hệ thống long mạch rất rộng lớn và mạnh mẽ, có địa long, thạch long và cả thuỷ long, nên việc cất quân đánh chiếm nước ta một cách thuận lợi là rất khó vì đó là việc nghịch ý.

Khắp các vùng đất của ta, đều có sơn thần thổ địa trấn giữ, nên việc yểm địa long hoặc thạch long đều rất khó, vì vậy nên chúng nhắm đến một nhánh dễ yểm hơn là thuỷ long, vì đơn giản có khá nhiều nhánh sông của nước ta có chung 1 điểm đích với vài sông của Bắc quốc nên sẽ dễ dàng cho việc trấn giữ. Bên cạnh đó, các thuỷ linh đều khá nguyên tắc, chỉ cần trao đổi vật nào đó cân bằng với giá của mục đích thì đều được trót lọt (giống như tích ở bên Tam Quốc, tế đầu người cho sông, hoặc ở các vùng sông nước nói chung, khi cứu 1 mạng khỏi tay hà bá thì phải đền lại y như thế,…). Các phù thuỷ bắc quốc đều lợi dụng điểu này để trấn yểm. Lần này, chúng chọn đánh theo đường biển vào, vì dù gì, biển Đông kia là nơi giao thoa của Bắc Quốc và ta, có sự giao lưu của dân tộc ta và người phương Bắc nên việc tế lễ cho các thần sẽ dễ hơn. Chúng tiến vào theo cửa biển Đại Than, dọc theo dòng chảy của hệ thống sông mà đi theo đường sông Đồ Lỗ (có nguồn cho rằng con sông này đã biến mất do phù sa, từng là một nhánh sông Cà Lồ). Tuy nhiên ở phía quân ta, lúc đó, Lê Đại Hành cử thiền sư Khuông Việt đến khu vực thành Bình Lỗ lập phòng tuyến, xây dựng thêm các trận địa cùng với đó là cử hành những nghi lễ mong cho kháng chiến thắng lợi.

Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ và chính các vị thánh thần bảo hộ đất nước đêm đó đã hiển linh. Xế chiều sau khi thành đắp xong, Lê Đại Hành và tướng Phạm Cự Lạng đã tới phòng tuyến, khi nghỉ ngơi, cả vua và tướng quân đều có một giấc mộng giống nhau. Trong mơ có hai vị thần mặc giáp trụ, đeo binh khí đến yết kiến, tâu rằng: “Chúng ta đều là bộ tướng của Dạ Trạch Vương, vì lòng trung hiếu mà tuẫn tiết, thượng đế thương tình liền cho chúng ta lên làm thần, trấn giữ lưu vực sông khắp chốn kinh Bắc, nay bờ cõi bị xâm lược, đích thân nhà vua làm tướng, chúng ta lẽ nào khoanh tay đứng nhìn, nay có 10 vạn bộ tướng và âm binh dưới quyền, đều tinh anh, thuỷ chiến tốt, xin đem theo để cùng nhà vua lập công.” Nói xong liền biến mất, vua và tướng quân đều cho đó là điềm lành liền trở dậy, thúc giục quân sĩ chuẩn bị nghênh chiến.

Đoàn quân của phương Bắc kéo đến với cả quân thuỷ và bộ, chúng bắc cầu phao, trên thuyền, cung thuỷ, ván, lao móc đều sẵn sàng đổ bộ. Lúc đó quân lực của ta ít hơn hẳn chúng, hơn thế chúng lại hành quân quá nhanh, thuỷ binh đã hội quân được với bộ binh, sẽ là thế hiểm nghèo cho quân ta. Bỗng dưng trời đất tối sầm lại, gió bão nổi lên, trên dòng sông hiện lên hình dáng hai vị tướng, giáp trụ sáng loà, người vàng người bạc, theo sau là hang vạn âm binh hang ngũ chỉnh tề. Thần nhân cất tiếng: “Đất nước đang thái bình, bờ cõi riêng rẽ, chẳng lẽ các ngươi vẫn giữ tư tưởng Lĩnh Nam là đất của Bắc Tống sao? Các thuỷ linh, chẳng lẽ các ngươi nghe lời bọn chúng, nhận đồ tế mà làm ngơ đi dã tâm của chúng, thật xấu hổ xiết bao, các ngươi đều được Thượng Đế tin dùng mà lại làm việc này sao, hãy theo chúng ta phò tá nhà vua, quét sạch lũ giặc này.”

Cất tiếng, thoang thoảng trong gió vang lên bài thơ:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ”

Quân địch hoảng sợ, quân ta, lính của thần đều nhất tề xông lên, chẳng mấy chốc quân Tống tan vỡ, dẫm đạp lên nhau mà chạy…

Sau chiến thắng, hai vị thần lần lượt được sắc phong lên phẩm thánh, gọi là Đức Thánh Tam Giang, một người thờ ở ngã ba sông Thương, một người thờ ở ven sông Như Nguyệt. Đến thời nhà Lý, hai vị lại hiển linh một lần nữa, giúp chúng ta chiến thắng trên dòng sông Như Nguyệt, bài thơ thần lại một lần nữa được ngâm lên, hang ngũ địch tan vỡ, quân ta thắng trận trở về.

Bài kì này vị hạn chế về tư liệu về mặt trấn yểm, cũng như có những địa danh khó xác định nên đã có sự chẫm trễ, mong các bạn vẫn tiếp tục ủng hộ mình. Tất cả những câu chuyện trên đều có những chất liệu dân gian – truyền miệng, nói cách khác bài viết này chỉ có tính chất tham khảo – một câu truyện truyền kì. Một lần nữa nếu các bạn muốn tìm nguồn tư liệu chuẩn hơn thì có thể xem qua cuốn truyền thuyết vua Đinh – Lê ở bài post trước và tham khảo các nguồn chính sử khác.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia