Đồng Cổ Thượng Đẳng Thần

Quay ngược về ngày xưa, khi Thần Trụ Trời đắp đất nâng trời, thế gian mới chỉ có núi, sông và biển. Ngày ấy, Thần sau khi xong công việc đã trở về lại cõi Trời, linh khí của thần còn thấm lại với thế gian. Những ngọn núi cao ngày ấy, những cây cổ thụ từ thuở đó còn thấm nhuần chất “thần”. Thời gian trôi, Kinh Dương Vương lập ra nước Xích Quỷ, Lạc Long Quân được truyền ngôi, cùng Âu Cơ sinh ra thuỷ tổ của người Việt thì những linh khí ấy cũng dần thành hình.

Ở đất Bạch Hạc, có một cây cổ thụ nọ, hấp thu khí Thần, lại sống lâu, thân to đến vài chục thước, có trăm nghìn cành, trên cành lại có hàng vạn con hạc, vì lẽ đó mà cả vùng xung quanh được gọi là Bạch Hạc. Lâu dần cây này hoá thành tinh, gọi là Xương Cuồng.

Tinh khí của Thần đi đến biển Đông, hoá vào con cá lạ, làm nó biến thành Ngư Tinh, vây to như mái chèo, thân mình khủng khiếp, lại có chân như rết, biến hoá khôn lường, hại không biết bao nhiêu là ngư dân.

Khí thần cũng được một con cáo nọ ở sông Lô Giang hấp thu mà luyện thành Hồ Tinh, tồn tại mãi sau này mới bị đánh bại.

Tuy nhiên khí thần kia truyền đến quận Cửu Chân, vùng núi Tam Thai, cạnh sông Mã, nay ở làng Đan Nê, Yên Định Thanh Hoá thì khác với mọi khi. Lần này, một vị cổ thần được sinh ra.

Đại vương được gọi là Đồng Cổ, lấy tên của vùng đất mà Thần ngự làm danh xưng.

Thần danh là thần Núi nhưng sự linh ứng và những lần thần giúp đỡ dân tộc đã được ghi nhận và sau này thần được xưng danh là Thượng Đẳng thần, được rước về thờ tại chính kinh đô Thăng Long, mà hiện nay đền thờ của Thần vẫn còn tại phố Thuỵ Khuê – quận Ba Đình.

Ngày xưa, khi Hùng Vương đánh giặc ở nước Phù Nam, đi đến bờ sông Mã, đêm dựng trại, chợt mộng thấy một người ăn bận lối Lạc Tướng nhưng cao lớn và có hào quang toả ra, hành lễ mà tâu rằng:

– Vương đánh giặc vì đất nước, thảo phạt quân tàn ác cho thiên hạ thái bình, xin cùng binh tướng dưới quyền đi theo mà phù tá. Xin đúc một trống đồng lớn, trên ấy khắc hoa văn chim Lạc và cảnh sinh sống của dân tộc, có mặt trăng mặt trời, khi đánh lên, ta và các phó tướng sẽ giúp sức, Trời Đất sẽ phù hộ.

Nói đoạn liền phẩy tay, vua giật mình tỉnh giấc, cho là điều lạ, liền truyền cho quân sĩ đi thu gom các vũ khí bằng đồng, lại cho nấu chảy ra mà đúc làm trống. Trống đúc xong, mấy người lực lưỡng khiêng mới được, trên lại có hoa văn đẹp mắt, ở giữa là Mặt Trời, xung quanh là hình chim muông, chim Lạc tung cánh, nhân dân hát ca, giã gạo, lạc hầu, lạc tướng chầu dưới ngai vua.

Lâm trận, vua truyền cho gõ trống, tiếng trống vang lên như có hàng ngàn người hành quân, tinh thần phấn chấn, sĩ khí dâng cao, lại như có bóng thiên binh đâu đây, quân giặc cứ thế mà tan vỡ.

Thắng trận trở về, vua cho là thượng đẳng thần, liền truyền đúc thêm trống, mỗi làng xã lại có một chiếc, ấy là xin thần che chở cho muôn dân, còn chiếc trống thần kia thì đem về cung mà để. Lại đặt ở nơi trang trọng nhất của cung vua, nhớ ân đức của thần.

Sau này, quân phương Bắc sang, chúng biết Đồng Cổ là một vị thần từ thuở khai thiên lập địa, chúng liền phá bỏ tất cả những trống đồng – biểu tượng sức mạnh của thần mà kìm hãm. Tuy nhiên thần của chúng ta cũng như con người nước Nam vậy, dù có bị đàn áp, chèn ép bằng những mưu hèn kế bẩn, thì chúng ta vẫn đứng lên và quét sạch chúng khỏi bờ cõi.

Vào thời Lê Hoàn, khi giặc Tống ở phía Bắc, còn phía Nam, Chăm-pa nhăm nhe, thần Đồng Cổ lại một lần nữa hiển linh, bày kế giúp vua phá tan hai mũi tiến công của địch.

Thời Lý Thái Tổ, khi ông mất, mặc dù ngôi báu đã được truyền lại cho hoàng thái tử Lý Phật Mã nhưng các hoàng tử còn lại không phục, mưu lật đổ để cướp ngôi. May sao khi còn trẻ, vâng lệnh vua cha đi đánh Chiêm Thành, Lý Phật Mã có đi qua vùng núi Tam Thai, thấy có một đền thờ nhỏ liền sắp lễ vào mà khấn vái, đại loại để cho chốn thanh tịnh có chút khói hương mà khỏi hoang tàn. Đêm đến, thái tử nằm mộng thấy Đồng Cổ đại vương. Ngài ăn vận như một Lạc Tướng thời xưa, yết kiến thái tử và xin đi theo phù trợ, hết chuyến Nam tiến này sẽ về cung mà bảo vệ Thái Tử.

Trận đánh diễn ra nhanh chóng với phần thắng nghiêng về quan quân nhà Lý, theo lời hẹn, Lý Phật Mã cắt cử các thầy địa lý cũng như các phù thuỷ của ta xem hướng đất cát, yểm các đồ vật gần gũi với thần để tiện đưa thần về cung. Mọi người đang cầu đảo thì trời đất nổi gió, xa xa có giọng nói vọng đến: “Xin lập đền tại bên Hữu, trong thành Đại La, phía sau chùa Thánh Thọ.” Liền y lời mà làm. Một ngày nọ, sau khi vua cha qua đời, thái tử đang nghỉ ngơi bỗng thấy Thần tìm đến mà nói:

– Ba vương có ý làm loạn, binh sĩ đã đủ, bài binh bố trận, chỉ đến canh ba sẽ đánh, xin trở dậy mà lo phòng bị. Nếu có tướng Phụng Hiểu, xin gọi vào ngay và ban cho kỳ lệnh.

Dù thái tử bán tin bán nghi nhưng cũng vời Phụng Hiểu vào. Đúng canh ba, Vũ Đức, Dực Thánh và Đông Chính làm phản, tướng Phụng Hiểu chém được Võ Vương, các Vương còn lại liền đầu hàng. Sau sự biến ấy, Lý Phật Mã – lúc này đã là vua Lý Thái Tông, sắc phong thần làm thượng đẳng thần, lại đặt hội thề Đồng Cổ vào ngày 4-4 âm lịch, toàn bộ văn võ bá quan đều phải tham gia.

Từ ấy, Đồng Cổ đại vương trở thành vị thần bảo trợ cho hoàng tộc, cho các Thái Tử và cho những vị vua của chúng ta.

Hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, hội thề Đồng Cổ lại được diễn ra:

“Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu

Thần tru minh diệt!”

Hội thề còn được duy trì đến thời nhà Hồ, tuy nhiên do sự biến Trần Nguyên Hãn ám sát hụt Hồ Quý Ly trong hội thề mà Hồ Quý Ly cho rằng thần đã bị che mắt mà không thờ nữa. Tuy nhiên chính Hồ Quý Ly mới là người “Làm tôi bất trung”.


Thần Đồng Cổ là một trong số ít những hình tượng thần linh thuần Việt, không hề vay mượn của bất cứ văn hoá hay là thần thoại nào khác. Dấu ấn rõ nét nhất của tín ngưỡng này chính là số lượng lớn các Trống Đồng tìm thấy ở khắp các di chỉ khảo cổ trên khắp đất nước, tập trung nhiều ở vùng kinh đô Văn Lang cũ ngày xưa. Thêm vào đó, điều kì lạ là các nhà khảo cổ rất ít khi tìm thấy các cặp dùi trống, nên sau này luận điểm trống đồng chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ được bổ sung thêm một ý vô cùng lớn: “Trống đồng còn là một đồ vật mang tính thờ cúng.” Trống đồng hoàn toàn có thể xếp vào hàng pháp cụ, tương tự như những món thần binh, thần khí nào đó hoặc các vũ khí thần thánh trong các nền văn hoá khác. Thêm vào đó, trong khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc và kỉ thuộc Minh, rât rất nhiều tư liệu sách vở của chúng ta bị huỷ, chúng còn kìm hãm rất nhiều các vị thần của dân tộc ta như phá đền hoặc phá bỏ tư liệu. Thần Đồng Cổ là một trong số đó, phải đến mãi sau này, khi chúng ta độc lập và sự nghiên cứu văn hoá được đầu tư thì mới có thể khám phá được ý nghĩa còn lại của Trống đồng – không chỉ là một nhạc cụ, nhạc khí mà còn là một pháp cụ của một trong những thượng đẳng thần Việt Nam.

Ngoài ra còn có rất nhiều vị thần khác mà chúng ta ít biết, tuy nhiên, quay ngược thời gian về những ngày trước, họ được thờ phụng rất nhiều như thánh Chèm – Lý Ông Trọng – vùng ngoại ô Hà Nội, Cao Sơn Độc Cước – thần giữ bờ biển vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Hùng Linh Công – một tông thất có dòng dõi vua Hùng, người lập nhiều chiến công nhất trong đoàn quân của Thánh Gióng với linh vật là con báo đen, hay Thạch Tướng, một vị thần có liên quan đến nhân vật Bà Chúa Kho ???

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia