Phá kính trùng viên [破镜 重圆]

Hay “Gương vỡ lại lành” – câu thành ngữ xuất hiện nhiều trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Trung Hoa nói riêng, chỉ một mối quan hệ thân thiết (thường hiểu ở đây là mối quan hệ hôn nhân, tình yêu đôi lứa), sau biến cố đổ vỡ (có thể là chia xa về mặt khoảng cách, cũng có thể là “đứt lìa” sợi dây liên lạc tình cảm) đến cuối cùng hai phía lại trở về chung sống với nhau hạnh phúc. Nguồn gốc của câu thành ngữ trên có lẽ bắt nguồn từ hai câu chuyện mình sắp kể sau đây.

Nói qua một chút nếu ai không biết: Trong tín ngưỡng người xưa, khi hai người bắt buộc phải chia tay vì một lý do nào đó họ thường trao một vật cho nhau gọi là “tín vật”, đến khi gặp lại, người này nhìn thấy tín vật của người kia thì có thể nhận ra nhau. Ngoài ra “tín vật” đó cũng như mang ý nghĩa tượng trưng thay cho sự hiện diện của người mình thương nhớ.

Ở cuốn “Thái bình ngự lãm” – 太平御览, đời nhà Tống, có kể một câu chuyện thế này. Có một đôi nam nữ yêu nhau, vì lí do bất khả kháng mà cả hai buộc phải chia lìa. Không chấp nhận thực tế, họ hẹn với nhau rằng sau này chắc chắc sẽ gặp lại. Họ bèn lấy một cái gương rồi chia nó thành hai nửa, mỗi người giữ một nửa (*gương hồi xưa làm bằng đồng nên chắc nhờ ông thợ nào đó chia ra làm hai cũng nhẹ nhàng đơn giản thôi :v ). Cả hai thề sẽ mang nửa mảnh gương kia đến suốt cuộc đời và sẽ đem theo ở lần tới họ gặp mặt. Nhưng sau khi chia tay, người con gái lại đổi ý và yêu một người đàn ông khác. Mảnh gương mà cô giữ liền biến thành con chim ác là bay đến nơi mảnh gương còn lại của chàng trai. Chiếc gương liền làm một và cho chàng trai thấy toàn bộ sự thật… Nội dung câu chuyện có vẻ không giống với nội dung thành ngữ mình giải thích cho lắm, nhưng có thể coi đấy là một khía cạnh mà thành ngữ muốn kể.

Một câu chuyện khác nổi tiếng hơn, được trích trong cuốn “Bản sự thi” – 本事诗 (không rõ mình viết phiên âm ra Hán Việt có đúng ko), có từ thời nhà Đường khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9. Có một người tên Từ Đức Ngôn (徐德言), cưới công chúa Nhạc Xương của nước Trần (Trung Hoa) làm vợ. Bấy giờ vận nước có chiều hướng sụp đổ, Từ Đức Ngôn sớm nhận ra điều đó liền nói với vợ rằng: “Ta lo lắng rằng với tài sắc của nàng, đến lúc triều đình suy tàn ắt sẽ vướng vào chốn quyền hào. Rồi đây thôi chúng ta sớm loạn lạc mà xa nhau. Khi ấy nếu may mắn ông trời cho gặp lại nhau thì ta cũng cần có một vật gì đó để làm tin”. Nói rồi Đức Ngôn đập vỡ tấm gương, mỗi người cầm một nửa, hẹn rằng cứ ngày rằm tháng Giêng hàng năm sẽ ra chợ bán nửa tẩm gương đó, người còn lại nhìn thấy ắt sẽ nhận ra. Đúng như dự đoán, chả bao lâu sau mà vương triều sụp đổ, Từ Đức Ngôn phải chạy trốn khỏi kinh đô, Nhạc Xương thì phải vào kinh thành hầu hạ nhà Dương Tố… Ngày rằm tháng Giêng rồi cũng đến, Từ Đức Ngôn sau khi tìm hiểu ra Nhạc Xương công chúa đang ở kinh thành bèn xuống chợ vội vã tìm người bán gương. Đến cuối ngày chàng mới gặp được một ông lão đang bán nửa chiếc gương, ướm thử thì đúng là nửa chiếc gương còn lại. Biết rằng Nhạc Xương khó mà thoát ra gặp chàng vào lúc này, Đức Ngôn liền viết bốn câu thơ kèm mảnh gương của mình nhờ ông lão chuyển giúp cho vợ:

“Kinh giữ nhân câu khứ
Kính quy nhân vị quy
Vô phục Hằng Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy”

Tạm hiểu là: Gương đi người cũng đi, gương về nhưng người chưa về, gương vỡ không lành lại được, bóng Hằng Nga nay chỉ còn giữ lại được ánh trăng.

Công chúa nhận được thư bèn khóc lóc thảm thương, quên ăn quên ngủ. Dương Tố vô tình biết chuyện, cảm động mà cho người mời Đức Ngôn đến gặp Nhạc Xương. Khi vợ chồng đoàn tụ cũng là lúc hai mảnh gương tự lành làm một.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia