Cây đào ngày Tết

Hôm kia vừa là mùng 1 tháng Chạp, tháng cuối của năm Canh Tý, lại một lần nữa Tết sắp về. Hưởng ứng không khí Tết, mình muốn đem đến cho các bạn một loạt bài về phong tục của chúng ta.

Đầu tiên, chúng ta sẽ đến với danh mục Cây và hoa ngày Tết…Cây và hoa ngày Tết là những thú chơi yêu cầu sự tinh tế thanh cao, ngày xưa, tại các gia đình Hà Nội gốc hoặc bất cứ gia đình khá giả nào thời đó (thường là sau giải phóng), luôn có hai thứ là cây và hoa. Một khung cảnh Tết phổ biến sẽ là hoa thuỷ tiên, hoa huệ cắm trong bình, ở bàn khách có một lọ hoa nho nhỏ, tuỳ theo ý của gia chủ, cạnh đó là khay bánh Tết, trên bàn gia tiên là đoá cúc lại phảng phất mùi trầm. Điểm lên khung cảnh là cành đào Tết, có thể là đào phai, đào hồng, gợi vẻ đẹp nhẹ nhàng của mùa xuân Bắc Việt.

Cây đào đã có trong tiềm thức, phong tục của người Việt từ rất lâu, kể cả những gia đình di cư vào Nam, mỗi dịp Tết, họ vẫn muốn tìm một cành đào Bắc, gợi cho họ những kỉ niệm về quê hương, nguồn cội (Có thể xem thêm cuốn “Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng để hiểu thêm về phong vị và không khí Tết cổ truyền”.

Ngày xưa, ở vùng Sóc Sơn, có một cây đào cổ thụ, chẳng biết có từ bao giờ, gốc đào to lớn và rắn chắc không thua kém bất cứ loại cây rừng nào. Có nét cứng rắn và nét thơ mộng, đó là tất cả những gì người ta biết về cây đào ấy. Dân trong vùng đồn rằng, ngự trên cây đào nghìn năm ấy là hai vị thần, tên huý là Trà Uất Luỹ.

Nhờ có thần ngự mà cây đào cứ to lớn dần theo thời gian, bóng che phủ kín một vùng, hoa trái lúc nào cũng rực rỡ mà đất đai xung quanh lại luôn hài hoà. Hễ nhà nào có người ốm đau hay việc gì kì dị, chỉ cần sắm lễ trước gốc đào, thành tâm kính vái, tự khắc bệnh sẽ lui, điều kì dị sẽ biến. Người ta cũng bảo rằng, nếu được hưởng lộc đào, thứ quả mang linh khí của thần thì đầu óc sẽ sáng láng, bản mệnh sẽ bình an, đi xa về gần không lo đường xá.

Rồi đến ngày Tết, cũng như Táo quân hay muôn vàn các vị thần khác, hai vị ngự ở cây đào nọ phải lên trời chầu Ngọc Hoàng, báo cáo công việc một năm. Vắng các thần, ma quỷ quấy nhiễu hoành hành làm cho dân chúng khổ sở. Biết cây đào kia do thần ngự, dân chúng bảo nhau bẻ lấy một vài cành nhỏ mà mang về, lại lấy giấy điều cắt thành hình hai vị thần mà dán ở cửa, tất ma quỷ sẽ sợ hãi mà không dám làm bậy.

Từ ấy trở đi, cứ mỗi khi Tết đến, người ta lại mang về nhà những cành đào với mong muốn may mắn, xua đuổi ma quỷ và để chiêm ngưỡng sắc xuân trên những bông hoa đào.


Chia sẻ từ Pollux: Chào các bạn, mình là Pollux, người join page mới nhất (nhưng mà cũng cách đây gần 1 năm dòiii). Hiện tại, mình đang thầu thần thoại Việt Nam và Thần thoại Hy Lạp Retold. Tuy rằng về kiến thức mình còn thiếu sót nhưng rất cảm ơn sự ủng hộ của các bạn trong thời gian vừa qua.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia