Dòng thời gian trong thần thoại Ai Cập: Hỗn mang

Theo quan niệm của người Ai Cập, thời gian không trôi qua một cách giống nhau với tất cả các giống loài hay sinh vật trong vũ trụ. Ví dụ như đối với người chết, một giờ dưới sự xuất hiện của thần mặt trời tương đương với một đời người tại Ai Cập. Thời gian cũng không chỉ được người Ai Cập nhìn nhận theo hướng tuyến tính mà còn được nhìn nhận theo hướng các vòng lặp. Người Ai Cập sống theo thời gian tuyến tính, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai, giống như các điểm lần lượt trên một trục thẳng. Tuy nhiên, khi bắt đầu một triều đại trị vì của một vị vua mới, hệ thống tính thời gian cũng được bắt đầu lại từ đầu bởi người Ai Cập cũng cho rằng thời gian cũng là những vòng lặp.

Đôi khi những vòng thời gian này tự lặp lai chính mình với các sự kiện ở các khoảng thời gian cố định. Cách nhìn nhận này khiến cho nguyên nhân và ảnh hưởng đôi lúc bị đảo chỗ cho nhau, tạo ra những nghịch lý về mặt thời gian. Chẳng hạn như đôi khi các vị vua Ai Cập lại được nói là cha của mình.

Theo dòng thời gian tuyến tính, những câu chuyện thần thoại Ai Cập có thể được chia làm bảy giai đoạn: Hỗn mang (tiền sáng thế), Sự xuất hiện của Đấng sáng thế, Sự sáng tạo ra thế giới và các sinh vật, Triều đại của thần mặt trời, Thời kì được trị vì bởi các vị thần khác, Thời kì được trị vì bởi các vị vua á thần và Trở về với hỗn mang. Trong bài đăng ngày hôm nay, chúng ta sẽ nói về giai đoạn đầu tiên: Hỗn mang.

Trước thời kì sáng thế, thế giới ở trong trạng thái hỗn loạn, chứa đựng tiềm năng cho tất cả sự sống. Người ta tưởng tượng rằng giai đoạn khởi nguyên này, vũ trụ là một vùng nước tối tăm và rộng lớn vô cùng. Các vị thần chính là hiện thân của các đặc điểm và đặc trưng của hỗn mang. Một vài vị thần phải thay đổi hoặc chết đi để quá trình sáng thế bắt đầu.

Nguồn gốc hình thành của vũ trụ luôn là vấn đề tri thức được người Ai Cập yêu thích. Những văn tự nhắc tới giai đoạn trước sự sáng thế định nghĩa đây là khoảng thời gian “trước khi hai thứ được phát triển”. Vũ trụ chưa được chia thành các cặp trái ngược nhau như trời và đất, ánh sáng và bóng tối, đàn ông và đàn bà hay sự sống và cái chết.

Người Ai Cập cho rằng thời kì nguyên khai này không có hình dạng hay bất kì giới hạn nào. Vùng nước khởi nguyên, được biết tới với cái tên nu hay nun, tiếp tục bao quanh thế giới ngay cả sau khi sự sáng thế đã diễn ra, nó cũng được coi như là cội nguồn vô tận của dòng song Nile. Khi xuất hiện dưới hiện thân là một vị thần, Nun có thể được coi là cha và mẹ của Đấng sáng thế, bởi Đấng sáng thế được coi là được sinh ra bởi Nun.

Sau khi sự sáng thế diễn ra, những đặc điểm của giai đoạn sơ khai, ví dụ như bóng tối, dần xuất hiện nhận thức và trở thành Bộ Tám hay Ogdoad của Hermopolis. Bộ Tám được thể hiện dưới hình dạng các động vật lưỡng cư và bò sát, những sinh vật làm màu mỡ của vùng nước sơ khai. Họ là những lực lượng tạo thành hình dạng của Đấng sáng thế hay những tạo vật đầu tiên của Đấng sáng thế. Để có thể trở thành “ những người cha và những người mẹ” của sự sống, họ phải thay đổi và trong một số trường hợp là chết đi. Rất nhiều ngôi đền được cho là nơi chôn cất của các vị thần thủa sơ khai.

Amun và phiên bản nữ của mình – Amunet thường được coi là một phần của Bộ Tám và hiện thân cho những sức mạnh tiềm ẩn. Khi Amun trở thành một vị thần quốc dân, một giả thuyết mới khiến Amun trở thành một thế lực vô hình, không thể đoán định và bắt đầu có những bước tiến tới cuộc sống độc lập.

Mãng xà Amun Kem-atef, “vị thần khởi nguyên đầu tiên sinh ra các vị thần khởi nguyên” có thể được coi là một hình dáng khác của linh hồn đấng sáng tạo bởi cơ thể liền khối của nó hoặc việc nó thường làm mới cơ thể của mình bằng cách lột da theo chu kì. Khi các vị thần sáng thế như Amun hay Atum được nhắc đến như những con mãng xà, họ thường đại diện cho những mặt tích cực của hỗn mang khi là một nguồn năng lượng, nhưng họ có một phiên bản đối lập hoàn toàn là mãng xà Apophis.

Apophis đại diện cho khía cạnh hủy diệt của hỗn mang, thứ luôn cố gắng áp đảo mọi cá thể và khiến mọi thứ trở về thủa sơ khai của “sự duy nhất”. Vì thế, có thể nói rằng ngay từ khi được kiến tạo, thế giới đã chứa đựng những nhân tố tạo nên sự hủy diệt của chính mình.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia