Isis – Người mẹ của các vị vua Ai Cập

Isis là nữ thần thuộc thế hệ thứ tư của bộ chín vĩ đại của Heliopolis: những người con của Geb Nut. Bà thường được biết tới với vai trò là người mẹ bảo bọc của Horus và người vợ thuỷ chung của Osiris. Isis thường được khắc hoạ dưới hình dáng của một người phụ nữ đội trên đầu mình biểu tượng của ngai vàng. Với vai trò “Nữ thần Ngai vàng”, bà được coi là mẹ của các vị vua Ai Cập. Tình mẫu tử của bà cũng dành cho tất cả nhân loại, có lẽ cũng vì thế mà Isis được tôn thờ một cách rộng rãi hơn bất kì vị thần Ai Cập nào.

Người ta vẫn chưa biết rõ được rằng liệu Isis có xuất hiện trong các truyền thuyết đầu tiên về Osiris và Horus. Tại một số trung tâm thờ phụng Osiris, đơn cử như Abydos, bà chỉ chiếm vai trò bên lề cho tới tận thời kì Tân Vương quốc. Cũng tại thời kì này, Osiris, Isis và Horus được phát triển thành một gia đình thần thánh thực sự, một ra đình với những điều bất thường rõ rệt. Bên cạnh đó, thứ tình yêu vô điều kiện mà Isis dành cho Osiris và Horus khá hiếm gặp trong thần thoại Ai Cập.

Văn tự Kim tự tháp” (The Pyramid Texts) cũng ám chỉ việc Isis đã phải đi khắp Ai Cập để có thể tìm được thi thể của Osiris, sau khi ông bị em trai của mình hạ gục. Có một vài câu thần chú hứa hẹn về việc giữ cho thi thể của vị vua đã mất tránh khỏi việc mục rữa hay khôi phục lại các khớp xương bị phân tán ngay khi bà có được thi thể của Osiris. Isisi cùng với em gái của mình, Nepthys đã phải thức suốt một đêm dài để có thể khôi phục được thi thể, hai bà cũng trở thành những hình mẫu cho tất cả những người đưa tang. Một khúc thánh ca của Tân Vương quốc đã kể lại việc Isis đã sử dụng ma thuật của mình để xua đuổi “kẻ phá đám” (Seth) và bảo vệ cho thi hài của chồng mình. Theo “Văn tự Quan tài” (The Coffin Texts) dòng thứ 148, Isis mang thai Horus nhờ một ánh lửa thiêng. Ngay tức khắc, bà biết rằng đứa trẻ bên trong cơ thể mình sẽ là người dánh bại Seth trong tương lai. Bà che giấu đứa con của mình khỏi Seth và nuôi dưỡng nó để báo thù cho cha khi lớn lên.

Theo như những gì được tường thuật lại dưới thời Tân Vương quốc, Isis đã can dự vào cuộc chiến giữa Horus và Seth dưới hình dạng của một con hà mã. Bà đã đâm Seth bằng cây lao ma thuật của mình như lại tha cho hắn khi hắn nhắc nhở bà rằng dẫu sao hai người cũng là chị em. Hành động này của bà khiến Horus vô cùng tức giận và coi nó như một sự phản bội, Horus đã chặt đầu của chính mẹ mình. Nhưng như vậy là chưa đủ để có thể giết Isis. Về sau, các vị thần đã tạo cho bà một chiếc đầu mới, có đôi lúc nó có hình dạng đầu của một con bò cái.

Ngược lại, theo như các nguồn tại thiên niên kỉ đầu tiên Trước Công nguyên, Isis lại là kẻ thù không đội trời chung với Seth. Bà xuất hiện dưới rất nhiều hình dạng để dụ dỗ, săn đuổi và huỷ diệt Seth cùng các tín đồ của hắn. Sự vui mừng của Isis khi Toà án Thần thánh (Divine Tribunal) cuối cùng cũng để cho Horus trở thành vui là không nói nên lời.

Một số ghi chép để lại cũng nhấn mạnh về sự thủ đoạn và cương quyết của Isis. Với vai trò Pháp sư Vĩ đại (Weret-Hekau), Isis cũng được thể hiện dưới hình dạng của một con rắn hổ mang đang quấn quanh và bảo vệ các vị vua. Bà được mô tả là người “thông minh hơn tất thảy các vị thần” và là một người bảo vệ biên giới của Ai Cập “mạnh mẽ hơn hàng triệu binh lính”. Trong cuộc đối đầu giữa Horus và Seth, Isis đã hoá thành một bà lão để lừa người lái đò chở các linh hồn tới Cõi Âm và biến thành một cô gái trẻ để lừa Seth đưa ra những quyết định sai lầm. Trong một câu chuyện khác với cái tên “Cái tên thực sự của Ra”, Isis có thể khiến cho sức mạnh của chính vị thần mặt trời này chống lại chính ông để đạt được thứ mình muốn. Khi Horus bị đầu độc, bà đã cho dừng con thuyền mặt trời cho tới khi con trai mình được giải độc.

Tại giai đoạn sau của thời kì Tân Vương quốc, Isis thường được xuất hiện trên con thuyền mặt trời cùa Ra. Đây là một trong những vai trò mà bà đảm nhiệm thay cho nữ thần Hathor. Việc thờ phụng Isis trở nên ngày càng rộng rãi trong suốt thiên niên kỉ đầu tiên Trước Công nguyên. Bà bắt đầu được thờ phụng như nữ thần của biển cả, đảm nhiệm việc giúp cho các con tàu có thể cập bến an toàn. Những người Hy Lạp thường coi bà như Demeter, nữ thần mùa màng, người vẫn luôn đi tìm đứa con thất lạc của mình. Sao Sopdet/Sothis (cái tên mà người Ai Cập cổ đại dùng để gọi sao Thiên Lang) được coi là một trong những hiện thân của bà, sự xuất hiện của chòm sao này báo hiệu cho sự ngập nước giúp mùa màng có thể canh tác tốt. Ngày nay, bà cũng được biết tới như một người khai sinh ra ngành nông nghiệp và tạo tác thủ công.

Illustration: Yliade

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia