Biểu tượng Song Hỷ trong phong tục Trung Hoa

Song Hỷ là biểu tượng (chữ) được ghép từ hai chữ Hỷ [喜]. Để nói qua về chữ Hỷ, vốn được ghép từ chữ Trú [壴] (nghĩa là cái trống được sử dụng trong lễ hội hoặc tiệc chúc mừng) ở bên trên và bộ Khẩu [口] ở bên dưới. Cả chữ Hỷ sẽ mang ý nghĩa là điềm vui, việc đáng để chúc mừng.

Hai chữ Hỷ ghép lại tức Song Hỷ mang ý nghĩa là niềm vui nhân đôi.

Trong phong tục Trung Hoa xưa, Song Hỷ là đại diện cho hai niềm vui lớn đó là “đại đăng khoa” (đỗ làm quan) và “tiểu đăng khoa” (lấy vợ). Khi đại được cả hai thì coi như người đấy đã có được cả hai niềm vui lớn nhất, không còn gì có thể vui hơn nữa. Dẫu vậy theo thời gian thì ở cả Trung Hoa hay Việt Nam, chữ Song Hỷ chỉ còn xuất hiện trong đám cưới để đại diện cho niềm vui hình thành đôi lứa.

Biểu tượng Song Hỷ còn gắn liền với một câu giai thoại về một vị trạng nguyên thời nhà Tống tên Vương An Thạch. Trên đường lên kinh đô để dự thi, Vương An Thạch đi qua nhà của một Viên Ngoại giàu có, vừa hay nhà Viên Ngoại đang mở tiệc kén chồng cho đứa con gái xinh đẹp của mình. Ông là người trọng kẻ sĩ chứ không cần người nhiều tiền, vì vậy liền đăng một câu đối trên đèn kéo quân “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân). Vương An Thạch tuy nghĩ mãi không ra nhưng vẫn buột miệng nói “Câu này dễ thôi” sau đó bỏ đi. Người nhà Viên Ngoại nghe thấy thế chưa kịp trình lên ông chủ thì đã thấy vị học sinh kia rời đi.

Vào trường thi, Vương An Thạch xuất sắc vượt qua kì thi viết và được cho gọi vào triều để Vua thử tài. Vua nhìn lá cờ thêu hình con hổ trên sân liền ra vế đối “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình). Chợt An Thạch nhớ ra câu đố cũ ở nhà Viên Ngoại nên đọc lại vanh vách, nhờ đó liền được Vua khen tấm tắc rồi phong Trạng nguyên.

Trên đường qua chốn cũ, được người nhà Viên Ngoại nhận ra, Vương An Thạch liền đọc câu đối mà nhà Vua vốn dùng để đối mình, sau đó Viên Ngoại trầm trồ thán phục. Nhờ vậy Trạng nguyên đã lấy được vợ xinh đẹp đồng thời cũng ở luôn nhà Viên Ngoại để tiện thời nhậm chức ở Kinh đô. Vì sự hai sự may mắn đến cùng một lúc, Vương An Thạch hí hửng viết ra hai chữ Song Hỷ một gửi nhạc phụ, một gửi về nhà để thông báo hai chuyện đại sự mình vừa trải qua. Từ đó mà người ta mới dùng đến chữ Song Hỷ.

Illustration: Ramicle Ni

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia