Người thổi sáo thành Hamelin: Những giả thuyết lịch sử

Rất nhiều thế hệ đã được nghe kể về câu chuyện người thổi sáo ma thuật đã bắt cóc hơn 100 đứa trẻ. Người ta xem đó là câu chuyện răn dạy đạo đức, khuyên trẻ con nên giữ lời và biết ơn kẻ khác. Thế nhưng, có vẻ như đằng sau câu chuyện bí ẩn này còn ẩn giấu nhiều sự kiện lịch sử khá rùng rợn khác nữa.

[Khi nào, Io! Lúc họ đến bên sườn núi,

Một cảnh cổng diệu kỳ mở rộng,

Cứ như thể cái hang đột nhiên bị khoét sâu;

Và người thổi sáo đi trước, lũ trẻ theo sau,

Thế rồi tất cả bước cho đến kẻ cuối cùng,

Cánh cửa trên sườn núi vụt đóng lại.]

Đoạn thơ của Robert Browning trong tác phẩm “The Pied Piper of Hamelin: A Child’s Story” đã tóm tắt lại câu chuyện cổ tích kỳ quái này.

LƯU Ý: Các ý kiến trong bài mang tính suy đoán chủ quan được tổng hợp lại. Vui lòng không đồng nhất với kiến thức chuyên môn.


Câu chuyện về người thổi sáo thành Hamelin

May be a cartoon
Illustration: Betty’s Art

Chuyện kể rằng vào khoảng năm 1284, thị trấn Hamelin ở Hạ Saxony, Đức xảy ra nạn chuột hoành hành. Chúng cắn phá các kho chứa ngô, lúa mì… Vì thế, thị trưởng ở đây đã treo giải thưởng 1000 đồng guider vàng cho ai đuổi được chuột.

Ngay ngày hôm sau, có một thanh niên ăn bận sặc sỡ đến ngỏ ý sẽ đuổi chuột giúp người dân trong thị trấn để nhận thưởng. Anh ta dùng âm nhạc dẫn dụ lũ chuột ra khỏi Hamelin.

Tuy nhiên, khi đã sạch chuột, người dân trong thị trấn lại nuốt lời. Thay vì trả 1000 đồng vàng như đã hứa, thị trưởng lại chỉ trả 50 đồng. Sự bội bạc và vô ơn của người dân lẫn thị trưởng khiến người thổi sáo rời đi trong giận dữ, anh ta thề rằng sẽ trả thù họ. Vào ngày 26 tháng 7 năm đó, người thổi sáo quay lại Hamelin và dẫn lũ trẻ đi mất dạng, giống như đã làm với lũ chuột.

Cả thị trấn chỉ còn sót lại một hoặc ba đứa trẻ, tùy từng phiên bản kể. Một đứa bị què không thể đuổi kịp, đứa khác bị điếc không nghe được gì và đứa còn lại bị mù nên không thấy những đứa trẻ khác đi đâu. 


Những ghi chép lịch sử

Ghi chép được biết đến sớm nhất về câu chuyện này đến từ chính thị trấn Hamelin. Nó được miêu tả trong một bức tranh kính trên cửa sổ ở nhà thờ Hamelin, chế tác vào khoảng năm 1300 SCN. Dù đã bị phá hủy vào năm 1660, nhưng nhiều nguồn ghi chép vẫn còn sót lại. Văn bản cổ nhất nhắc đến sự việc là bản thảo của Lueneburg (1440-50), với những lời thuật như sau: “Vào năm 1284, vào lễ Thánh John và Thánh Paul ngày 26 tháng 6, một người thổi sáo, ăn mặc sặc sỡ màu mè, đã dẫn dụ 130 trẻ em sinh ra ở Hamelin và biến mất ở nơi hành quyết gần ngọn đồi”. Một mục cập nhật năm 1394 trong sổ sách của thị trấn Hamelin cũng ghi lại ngắn gọn “Đã 100 năm kể từ khi con cháu chúng ta ra đi“.

Con phố được cho là nơi lũ trẻ xuất hiện lần cuối được gọi là Bungelosen Strasse (phố không có trống), vì không ai được phép chơi nhạc hay nhảy múa ở đó. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là không có bất kỳ ghi chép nào đề cập đến chuột hay nạn chuột phá kho trong tất cả các nguồn tài liệu này.

Tranh vẽ mô phỏng tranh kính trên cửa sổ nhà thờ

Những giả thuyết về “Người thổi sáo thành Hamelin

Nếu lũ trẻ không biến mất vì người thổi sáo báo thù như truyện cổ tích viết, vậy thì chuyện gì đã xảy ra với chúng? Có rất nhiều giả thuyết giải thích cho câu chuyện.

Có giả thuyết đưa ra rằng, lũ trẻ không bị ai dụ dỗ mà bị chính cha mẹ gửi đi vì hoàn cảnh nghèo đói. Một giả thuyết khác lại cho rằng lũ trẻ không bỏ đi mà thật ra đều qua đời trong dịch bệnh Cái Chết Đen và người thổi sáo là ẩn dụ cho tử thần. Tuy nhiên, giả thuyết này không thuyết phục về mặt thời gian, vì Cái Chết Đen xảy ra nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 1348 – 1350, tức là hơn nửa thế kỷ sau sự kiện ở thành Hamelin.

Một giả thuyết khác lại cho rằng, lũ trẻ tham gia cuộc thập tự chinh trẻ em và tất cả đều đã bỏ mạng ở khu vực tương ứng với Romani ngày nay. Mình chưa có thời gian tìm hiểu thêm về sự kiện này, nhưng theo một bài viết trên báo Dân Việt thì sự kiện này diễn ra như sau:

Vào năm 1212, Stephen của xứ Cloyes (Pháp), lay động bởi lời kêu gọi của Giáo hoàng, đã dẫn theo 30.000 tín hữu tới Paris (Pháp) để xin sự ủng hộ của nhà vua trong cuộc trường chinh dành lại Jerusalem. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Stephen lúc ấy mới chỉ có 12 tuổi và toàn bộ số người đi theo cậu bé cũng chỉ là trẻ em.

Trong khi đó, Nicholas của xứ Cologne (Đức) cũng đang dẫn đầu một nhóm tín hữu 10.000 người, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Tin rằng một thiên thần đã truyền lệnh khởi động một cuộc Thập tự chinh, Nicholas đã dẫn người của mình qua Dãy Anpơ để đến Jerusalem.

Mặc dù cả 2 cuộc Thập tự chinh Trẻ em này đều có chung đặc điểm là xuất phát từ niềm tin tôn giáo mãnh liệt và có chung lời thề giống như cuộc Thập tự chinh lần thứ Nhất, Giáo hội lại coi Stephen, Nicholas và những người đi theo là một mối đe dọa. Lý do là việc 1 đứa trẻ có thể kéo theo hàng chục ngàn con người đi theo mình khiến cho các giáo sĩ địa phương lo sợ quyền kiểm soát Hội Thánh sẽ bị chuyển dịch.

Tuy nhiên, dù việc truyền cảm hứng, niềm tin tôn giáo rất thành công, cả Stephen và Nicholas đều thất bại trong việc hoạch định hậu cần. Nicholas đã dẫn người của mình vượt qua dãy Anpơ để tới được Genoa (Italy). Tại đây, những người dân địa phương không hề chào đón đội quân trẻ em sùng tín vốn đang mệt mỏi, đói khát. Nhóm của Stephen cũng gặp vấn đề tương tự khi tới được Marseilles (Pháp).

Hiện tại, các nhà sử học vẫn chưa thể làm sáng tỏ chuyện gì xảy ra với 2 nhóm trên sau khi tới được Genoa và Marseilles. Một giả thuyết cho rằng đội quân trẻ em đã tan vỡ khi đến được 2 điểm nói trên: một số quyết định làm việc luôn tại địa phương để chờ thuyền chở đến Jerusalem, một số khác trở về nhà, một số c.h.ế.t đuối trên biển, một số bị bắt làm n.ô l.ệ,…

Một giả thuyết khác cho rằng một nhóm, không rõ là của Stephen hay Nicholas, đã tiếp tục tới Rome để xin Giáo hoàng ban phước lành. Tuy nhiên, Giáo hoàng của thời kỳ đó là Innocent III đã khen ngợi những đứa trẻ bởi lòng nhiệt thành, đồng thời khuyên chúng về nhà vì toàn bộ đều quá trẻ để tham gia Thập tự chinh.

Vào năm 1977, nhà sử học Peter Raedts đã nghiên cứu lại biên niên sử các cuộc Thập tự chinh và cho rằng những người tham gia cuộc Thập tự chinh Trẻ em đều thuộc tầng lớp người nghèo, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ông Raedts tin rằng sau khi cuộc Thập tự chinh lần thứ Nhất thất bại, những con người này cảm thấy cần phải đích thân tham gia thánh chiến để giành lại vùng Đất Thánh Jerusalem.

Nói cách khác, theo quan điểm của ông Raedts, những người tham gia cuộc Thập tự chinh năm 1212 là người nghèo chứ không phải trẻ em như các tài liệu trước đó ghi chép lại.
“The Departure: An Episode of the Child’s Crusade 13th Century” của Joanna Mary Boyce về cuộc thập tự chinh trẻ em.

Một giả thuyết khác, tươi sáng hơn, đó là lũ trẻ gắn với chuyến di cư của một vài người Đức đến các thuộc địa ở Đông u. Và người thổi sáo với bộ dạng lòe loẹt, sặc sỡ đóng vai trò như người chiêu mộ, chịu trách nhiệm tổ chức cuộc di cư.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng sự kiện tại Hamelin có liên quan đến chứng “cuồng nhảy múa” vốn được ghi nhận ở châu u vào khoảng từ thế kỷ 14 đến 17. Hầu hết nạn nhân đều được miêu tả là “nhảy múa cuồng loạn trên đường phố trong nhiều giờ, nhiều ngày và thậm chí nhiều tháng, cho đến khi họ ngã gục vì kiệt sức hoặc đau tim, đột quỵ“.

Dù bí ẩn về người thổi sáo thành Hamelin chưa được làm sáng tỏ, nhưng qua những ghi chép còn sót lại, có lẽ sự kiện mà nó đề cập đến quá ám ảnh. Đến mức là người ta kể về nó qua hàng thế hệ.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia