Tứ Bất Tử: Thánh Gióng

Tứ Bất Tử vốn là danh xưng cao quý nhất mà dân gian đã ưu ái đặt cho bốn vị thánh bảo hộ cho con Lạc cháu Hồng từ thuở xa xưa… Những vị ấy tên tuổi còn được lưu truyền đến tận ngày nay như Sơn Tinh Tản Viên, vị anh hùng lãnh đạo nhân dân trong cuộc chiến long trời lở đất với Chúa Miền Nước Thắm; là vị tổ sư đệ nhất của hành “bách nghệ danh sư”, là Chử Đồng Tử, người tượng trưng cho lòng hiếu thảo, đức hạnh của nhân sinh; là Tiên Chúa Liễu Hạnh, người đã ghi dấu chân của mình khắp miền nước Nam … và là Thánh Gióng – vị thánh tượng trưng cho sức mạnh vô địch của lòng yêu nước của sức trẻ và của hào khí Văn Lang.

Người ta kể rằng, Thánh Gióng vốn là thiên tướng của Nhà Trời được sai xuống giúp vua Hùng chống giặc Ân. Sự là ngày ấy, giặc Ân lăm le xâm lược, thế nước hãy còn yếu, vua nghĩ mãi mà chẳng ra cách, đành lập đàn cầu đảo Long Vương (cha Lạc Long Quân). Được mươi ngày thì sấm động, ở phía Đông Hải có cụ già râu tóc bạc phơ hiện lên, mang theo lời sấm truyền về người anh hùng cốt cách thiên giới sẽ sớm hạ phàm.

Vốn là thiên tướng nên Thánh Gióng hạ phàm cũng rất lạ kì. Ngài hoá thành dấu chân lạ, đợi người thích hợp đi qua sẽ xin nương nhờ làm con, ẩn trong lốt người thường mà chờ ngày đại sự.

Và cũng có lẽ do là người Trời … nên cậu bé Gióng sau này dung mạo thì đẹp đẽ tựa thiên thần nhưng 3 năm ròng cũng chỉ nằm một chỗ, cũng chẳng khóc lóc, quấy đòi như những đứa bé cùng trang lứa…

Nhưng, số phận cuối cùng đã định, cậu bé ấy sẽ trở thành vị cứu tinh của người dân Văn Lang, là hoá thân của sức mạnh phi phàm, khiến cho bè lũ ngoại xâm phải tan rã…

Hôm ấy, sứ giả đi qua làng của cậu để tìm người tài. Người mẹ lúc ấy đang bế Gióng bèn nói đùa rằng, giá kể cậu quý tử có thể vươn vai mà quét sạch lũ ác ôn thì tốt biết mấy. Trong sự bàng hoàng và ngơ ngác của bà mẹ, cậu bé ngồi dậy, dõng dạc bảo mẹ đi gọi sứ giả vào đây… Sau đó thì ai cũng biết diễn tiến thế nào rồi. Tre, lửa, robot cơ khí hoá đầu tiên của Văn Lang, thuật khổng lồ hoá và cuối cùng là quân Ân thua sạch. Nhưng đặc biệt hơn là những câu chuyện về thánh Gióng sau khi lập chiến công.

Người ta kể rằng, vua muốn ban thưởng tước vị cho người anh hùng xuất chúng ấy. Nhưng, khi tìm đến nơi thì dấu tích của kẻ hào kiệt đã biến mất từ lúc nào. Sau khi lập công, người tráng sĩ đến chân núi Sóc, cởi chiến bào thấm đẫm mồ hôi và máu giặc tanh tưởi, treo lên một gốc cây cổ thụ. Xong xuôi, chàng cùng ngựa sắt của mình phóng lên đỉnh núi. Từ đây, Thánh Gióng phóng tầm mắt, nhìn lại đất nước Văn Lang một lần cuối rồi cả người và ngựa cưỡi mây lên trời.

Phò tá vị chủ tướng Gióng trong trận còn có hai người bạn là Hiển và Dục. Chủ tướng đã về trời, cả hai chán nản, cũng chẳng màng đến kho tàng của nhà vua, cũng buộc ngựa ở bìa rừng rồi lững thững, đi tuốt vào chốn rừng sâu thẳm.

Trong đoàn quân sĩ của Thánh Gióng, có một tông thất, cháu của Hùng Vương, tên là Hùng Linh Công. Ngài là người kiệt suất nhất trong đoàn quân nọ, cũng sinh ra với gốc tích phi thường, có người làng kể lại, chính Hùng Linh Công cũng là người nhà trời. Hùng Linh Công khi còn trẻ có tài phục hổ, cả một vùng rừng núi quê ông, hổ dữ không bao giờ dám lại gần người dân và cũng có những khi, chúng phải phủ phục xuống, nhường đường cho ông đi qua. Khi ra trận, Hùng Linh Công thường cưỡi trên một con hổ đen, hai tay là hai thanh kim đao sáng loà, tượng trưng cho thân phận hoàng tộc của mình. Khi Thánh Gióng bay về trời, ông cũng lui về ở ẩn tại quê hương. Chẳng bao lâu sau, vào một ngày sấm chớp nọ, Hùng Linh Công cưỡi hổ đen, hai hông giắt kim đao, tay cầm kim bài, cùng hổ phóng thẳng lên đỉnh núi, hoá đi sau tia sét sáng loà…

Sau lần ấy, những người theo phò trợ Thánh Gióng đều được sắc phong thành các vị thánh, thần, trở nên bất tử. Còn với Thánh Gióng, ngài trở thành một trong Tứ Bất Tử, đại diện cho sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta từ ngàn xưa. Nhân dân cung kính gọi ngài là Phù Đổng Thiên Vương.

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia