Thành Hoàng Làng

Hình ảnh giếng nước, gốc đa và sân đình đã luôn luôn gắn với phong cảnh làng quê Việt Nam. Nếu như giếng nước và gốc đa là những tạo vật mang tính văn hoá, tinh thần, thì đình làng chính là nơi thờ tự người bảo hộ cho vùng đất.

Mỗi đình làng luôn có một vị thần trấn giữ, cai quản. Vị thần ấy lo cho đời sống của nhân dân, tính toán hoạ phúc mà làng phải chịu, lại đứng ra nhận trách nhiệm mỗi khi các quan lớn về kiểm tra… chúng ta gọi chung họ là những Thành Hoàng làng. Bên cạnh Thổ Công, Hà Bá, Thành Hoàng trở thành một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam tại những làng quê, thôn xóm.

Theo như quy định về sắc phong thần thánh từ xưa, các Thành Hoàng cũng có phẩm trật, chia theo thứ bậc, từ ấy mà quyền lực của họ cũng có những khác biệt rõ ràng.

Ví như những vị thần có xuất thân kì ảo, đã sớm được tôn lên làm hàng Thánh thần đệ nhất thì gọi là các vị Thượng Đẳng Thần, hàng đệ nhất, gọi là thiên thần, ý là người từ cõi Trời xuống để bảo hộ cho nhân gian. Các làng ở chân núi Ba Vì được sự bảo hộ của Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh; vùng Hưng Yên thì được Chử Đạo Tổ bảo hộ,…

Tiếp theo là các vị trung đẳng, ấy là những người có thật, từng ghi dấu trong lịch sử, chiến công và danh vọng đã thần thánh họ, làm họ trở nên bất tử. Do những việc ấy mà nhân dân tôn kính họ, coi họ là các vị thần linh ứng, bảo hộ cho đời sống ấm êm. Có thể kế đến những vị như Cao Khiển và Cao Lịch vùng Ninh Bình, vốn là tướng dưới thời nhà Đinh. Hoặc vùng sông Thương, sông Cầu và sông Cà Lồ thì có Đức Thánh Tam Giang, là hai anh em Trương Hống và Trương Hát,…

Cuối cùng, là bậc hạ đẳng thần. Đấy là các vị thần không rõ tên tuổi, gốc tích, công trạng, nhưng lại được thờ cúng đầy đủ, triều đình cũng thuận theo mà sắc phong.

Còn lại, những miếu thờ người không may, những kẻ ác nhân, tướng địch,… đấy không gọi là Thành Hoàng mà gọi là loài yêu ma quỷ quái, nhân dân dựng miếu để chúng chẳng tác quái đó thôi.

Về Thành Hoàng, thực chất sắc phong chỉ là một cách mà triều đình đặt ra vậy, còn linh thiêng hay không, chính ở các vị thần được thờ phụng và lòng tin yêu của người dân.

Có câu chuyện nọ về người bán dầu, ngủ lang ở đền Thành Hoàng của làng Chèm, và không ai khác, vị Thành Hoàng của làng Chèm chính là thánh Lý Ông Trọng. Đêm ấy, để tiếp đón người bán dầu nọ, đức thánh của chúng ta đã từ chối bữa yến tiệc ở thiên đình với lý do “có vị quốc công ngủ trọ”. Sau đó, ông lại hiện về trong mơ của người đó mà mách rằng, đến đền “chị Tiên Dung nhà Chử Đạo Tổ mà hỏi thiên cơ, thượng đến chắc chắn chẳng trách phạt phụ nữ đâu, lễ độ một mâm tiền vàng là được”. Nhờ đó mà vị “quốc công” nọ cùng với Nguyễn Trãi tìm được Lam Sơn động chủ.

Một câu chuyện nữa chính là việc có vị Thành Hoàng nọ, vì lo công cán nên phải bỏ miếu của mình mà đi. Lợi dụng lúc đó, có vài kẻ đã dối trá, ngồi vào vị trí của vị thần ấy. Khổ nỗi, người dân còn tin tưởng Thành Hoàng hơn cả triều đình, nên bao việc khóc dở cười dở đã xảy ra. May sao hôm ấy, vị quan ở địa phủ đi qua làng này kiểm tra suất đinh, thấy diện mạo vị thần khác lạ, lại chẳng biết thi lễ, ông đã bắt kẻ dối trá kia phải trả giá…

Điều thú vị về Thành Hoàng là các vị ấy thường chỉ xuất hiện ở các làng Bắc Bộ hoặc đôi khi là Trung Bộ, còn vùng Nam Bộ thì không. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là các vị “Thành Hoàng đội mũ cối” của một làng nhỏ, thuộc địa phận Long An. Đó là trường hợp hiếm hoi ghi nhận dấu chân của các “Thành Hoàng” ở vùng Nam Bộ. Các vị ấy được thờ trong ngôi miếu tên là Bắc Bỏ.

Thành Hoàng làng là những vị thần có dấu ấn sâu đậm nhất trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân. Khác với sự uy vũ của các thánh nhân hay sự huyền bí của Tứ Bất Tử, Thành Hoàng làng là vị thần hiền lành, luôn một lòng hộ quốc cứu dân. Cho đến nay, rất nhiều vị Thành Hoàng vẫn được thờ cúng kính cẩn…

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia